Sau Covid-19, đại dịch nào có nguy cơ đe dọa sức khỏe con người?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giáo sư Drew Weissman- Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng, sau Covid-19, con người có thể phải đối mặt với nhiều đợt dịch nữa, đòi hỏi phải có 1 loại vaccine phổ quát chống lại các loại virus phổ biến.
Các nhà khoa học tham dự tọa đàm về tương lai của sức khỏe toàn cầu

Các nhà khoa học tham dự tọa đàm về tương lai của sức khỏe toàn cầu

Trong khuôn khổ giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, tọa đàm “Tương lai của sức khỏe toàn cầu” đặc biệt thu hút sự chú ý của giới khoa học và người dân. Dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu trong 2 năm qua, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây ảnh hưởng lớn chưa từng có làm dấy lên lo lắng về tương lai, liệu có 1 đại dịch khác sẽ xảy đến?

Giáo sư Drew Weissman cho rằng: “Chắc chắn còn nhiều đợt dịch hơn nữa. Ta đã có cúm mùa, Ebola và sẽ còn nhiều hơn. Với đại dịch Covid-19, sau thời gian đầu các nước đều bị “sốc” thì sau đó đã có vaccine. Vấn đề đặt ra cho tương lai là làm sao có một loại vaccine phổ quát để chống lại các loại virus phổ biến trên thế giới”.

Theo Giáo sư Quarraisha Abdool Karim- Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), đại dịch Covid-19 là bằng chứng rõ rang cho thấy không ai có thể an toàn trước dịch bệnh. Covdi-19 phát triển nhanh chóng, đòi hỏi nhiều tiến bộ khoa học của loài người để tham gia chẩn đoán, điều trị. Vaccine phòng Covid-19 cũng nhanh chóng ra đời.

“Y học chính xác trong y tế công cộng là rất quan trọng. Covid- 19 giúp chúng ta học được bài học quan trọng: Sự tham gia của tất cả các quốc gia vào phát triển công nghệ, bao gồm cả công nghệ chẩn đoán, phát triển vaccine, không phụ thuộc vào 1 quốc gia nào để phát triển sản phẩm đầy đủ”- Giáo sư Quarraisha Abdool Karim nói.

Theo bà, đại dịch Covid-19 chứng minh không có mô hình hoàn hảo, không có đũa thần gõ mọi cánh cửa.

Nhìn nhận về tương lai, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim cho rằng, nếu không thận trọng thì nguy cơ bệnh lao, HIV cũng có thể diễn biến như Covid-19 hôm nay.

Với riêng Covid-19, nhiều biến chủng mới đang lây nhiễm ở châu Phi, đặc biệt là phụ nữ từ 18 - 24 tuổi. Do đó, cần phải kết nối toàn cầu, sử dụng công nghệ để chống lại các đại dịch.

Liên quan đến ứng dụng công nghệ trong y học, Giáo sư Vũ Hà Văn- Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData; Đại học Yale, Hoa Kỳ cho hay, các nhà khoa học đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong mô hình virus mới và ứng dụng trong khoa học chính xác để chẩn đoán bệnh.

Hiện tại, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) đang được ứng dụng nhiều trong ý học. Trong tương lai, máy tính có thể trở thành trợ lý đắc lực cho bác sĩ khi máy tính có thể chứa hàng tỉ hồ sơ của người dân. Với sức mạnh của điện toán, thuật toán thông minh, máy tính có thể khai thác nguồn dữ liệu đó, chỉ cần tra cứu là có thông tin giúp chẩn đoán, điều trị bệnh nhanh chóng, chính xác hơn.