“Sát thủ săn ngầm” P-3C4 Orion có gì đặc biệt?

ANTĐ - Hiện nay, P-3C4 là phiên bản hiện đại nhất của P-3C Orion, được quân đội Mỹ nâng cấp vào cuối năm 2012.

P-3C Orion là sản phẩm của Công ty Lockheed Martin - Mỹ, thuộc loại máy bay trinh sát, chống ngầm cất cánh từ đất liền, chủ yếu dùng để thực hiện tác chiến săn ngầm trên biển tầm xa và tác chiến chống hạm và yểm hộ cho biên đội tàu sân bay trên toàn cầu, trong mọi điều kiện thời tiết.

P-3 Orion đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu chống ngầm. Biến thể cuối cùng của loại máy bay này là P-3C được bàn giao cho Hải quân Mỹ từ 1969 và đã qua nhiều lần cải tạo.

Máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion của hải quân Nhật Bản

Chiếc P-3C cuối cùng được sản xuất vào năm 1990, từ đó đến nay, hải quân Mỹ chỉ nâng cấp những chiếc đã có chứ không sản xuất nữa, hiện phiên bản nâng cấp mới nhất là P-3C4.

P-3C có chiều dài 35,6 m, sải cánh 30,4 m, trọng lượng cất cánh tối đa 64,4 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-56-A-13, công suất mỗi động cơ là 4.600hp đảm bảo cho máy bay đạt vận tốc khoảng 750 km/h với hành trình tối đa 9000 km, bán kính hoạt động tối đa 4000 km.

Tên lửa không đối hạm AGM-84E SLAM

P-3C có khả năng hoạt động liên tục trên không 16 tiếng với phi hành đoàn 11 người, bao gồm 3 phi công, 2 sĩ quan giám sát bay hải quân, 2 kỹ thuật viên bay, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và một kỹ thuật viên tổng hợp. 

Phần bụng phía trước của P-3C thiết kế 1 khoang đạn có kích thước 3,91m X 2,03m X 0,088m, dưới cánh máy bay có 10 giá treo vũ khí với tổng khối lượng lên đến 9 tấn, bao gồm nhiều chủng loại khác nhau, phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến đa dạng cả trên biển và trên bộ.

Ngư lôi Mk-54 phiên bản phóng từ máy bay

Hệ thống vũ khí chủ yếu bao gồm: Tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất hạng nhẹ AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54.., ngoài ra nó có thể mang theo bom nổ dưới nước, bom thông thường và các loại thủy lôi.

P-3C được trang bị rất nhiều thiết bị trinh sát như Sonar DIFAR, thiết bị phát hiện điểm từ trường bất thường (MAD)..., ngoài ra còn hệ thống phao sonar, phao nước và pháo sáng. Các thông tin thu thập được sẽ được chuyển đến hệ thống máy tính trung tâm, các số liệu phân tích, lưu trữ được gửi đến các cấp chỉ huy hay được sử dụng để vận hành các vũ khí trên máy bay.