Tràn lan thực phẩm bẩn dịp cuối năm:

"Sát thủ" rình rập trong mâm cơm

ANTĐ - Những ngày gần đây, người dân Hà Nội liên tiếp giật mình trước những vụ kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Những con lợn bệnh hay kho đông lạnh chứa chân gà quá hạn sử dụng, nội tạng mốc xanh mốc đỏ đã trở thành nỗi kinh hoàng hàng ngày rình rập trong mâm cơm của người dân.

"Sát thủ" rình rập trong mâm cơm  ảnh 1Thực phẩm bẩn là thịt lợn bệnh, lợn ốm tại chợ đầu mối Phùng Khoang 
bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ

Thực phẩm bẩn ồ ạt vào chợ

Rạng sáng 5-12, tổ công tác Đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, kiểm tra  xe tải đang xuống hàng tại chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm của Hoàng Văn Chí (28 tuổi) và Nguyễn Khắc Sáng (41 tuổi), cùng ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, đã phát hiện một lượng lớn thịt lợn được các đối tượng đưa vào bán tại chợ này.

Theo khai nhận của Chí và Sáng, toàn bộ số thịt lợn và nội tạng trên được mua, gom từ lợn bệnh, lợn chết của người dân trên địa bàn và các tỉnh, thành phố lân cận. Sau đó số hàng này được sơ chế, ngâm tẩm dung dịch để tạo màu như thịt lợn tươi rồi mang đến chợ Phùng Khoang tiêu thụ với giá chỉ từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Không chỉ chợ Phùng Khoang mà một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cũng được các đối tượng mang hàng đến bán.

Đây không phải là lần đầu tiên, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm đông lạnh và nội tạng động vật bẩn được cơ quan chức năng kiểm tra thu giữ kịp thời trước khi tuồn vào các nhà hàng, bán cho người dân. Chiều 14-12, Đội 5 - Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Đội 6 - Chi cục QLTT Hà Nội, kiểm tra kho lạnh của Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội (tại khu dân cư QL32, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm), phát hiện nhiều thực phẩm đông lạnh chủ yếu là tim lợn, mề gà, chân gà, thịt gà đã hết hạn sử dụng được công ty này lưu trữ trong kho. Đại diện công ty cho biết, số hàng trên được mua từ một công ty nhập khẩu trong TP.HCM rồi bán buôn, bán lẻ cho người tiêu dùng.

"Sát thủ" rình rập trong mâm cơm  ảnh 2Nội tạng động vật (tim) thối, có màu xanh đỏ và chân gà đông lạnh quá hạn sử dụng
bị thu giữ

“Không có vùng cấm” trong xử lý

Một cán bộ ngành thú y Hà Nội cho biết, nhiều khi thực phẩm bẩn được các chủ hàng trà trộn với thực phẩm đảm bảo chất lượng nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Vì ham giá rẻ, nhiều người đã mua phải thực phẩm bẩn mà không biết. Bởi thực phẩm bẩn được xử lý bằng hóa chất khiến cho thịt không còn mùi ôi thiu, lại trông bắt mắt. Do vậy, người dân cần chủ động lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bán tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, được phép kinh doanh và thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khi mua thực phẩm bao gói, người tiêu dùng cần chú ý sản phẩm phải còn nguyên gói, không rách, nát, ẩm mốc, có đầy đủ thông tin về sản phẩm và phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Đại tá Doãn Hữu Châu - Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn ngày càng tinh vi, có phương thức vận chuyển, buôn bán được ngụy trang, che giấu dưới nhiều hình thức. Thậm chí có những trường hợp còn làm giả giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y. Chính vì vậy, công tác điều tra, làm rõ các vụ việc của cơ quan chức năng đã gặp không ít khó khăn. 

Để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường Hà Nội  dịp  Tết Nguyên đán 2016, ngoài 2 kế hoạch cao điểm của Bộ Công an và CATP, Phòng Cảnh sát Môi trường đã triển khai kế hoạch trấn áp tội phạm, trong đó tập trung vào vi phạm về vệ sinh ATTP. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền để các hộ kinh doanh hiểu rõ tác hại của việc buôn bán thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, đơn vị đã có văn bản đề nghị Chi cục Thú y, Chi cục QLTT, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát những địa bàn trọng điểm như làng nghề, chợ đầu mối, các tuyến hàng hóa nhập lậu thường xuyên đi qua. “Trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã thu giữ và xử lý gần 40% các vụ việc liên quan đến vi phạm về vệ sinh ATTP trên địa bàn Hà Nội” - Đại tá Doãn Hữu Châu thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Đội phó Đội 6, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chi cục QLTT Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện, xử lý các vi phạm về vệ sinh ATTP. Lực lượng QLTT kiên quyết xử lý triệt để, “không có vùng cấm” đối những hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt các hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên trước lợi nhuận quá lớn, nhiều đối tượng đã bất chấp lao vào kinh doanh thực phẩm bẩn.