"Sát thủ diệt J-20" của Nhật Bản trước nguy cơ "ra đi không lời từ biệt"

ANTD.VN - Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DICA) gần đây cho biết, Lầu Năm Góc đã đồng ý bán 56 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C7 ARAAM cho Nhật Bản.
Được biết lô tên lửa AIM-120C7 trên có giá trị vào khoảng 113 triệu USD, nó sẽ trở thành vũ khí không chiến ngoài tầm nhìn chủ lực của các tiêm kích F-15J cũng như F-2 của không quân nước này.
Trong tương lai, AIM-120C7 còn có thể tích hợp vào tiêm kích tàng hình F-35A cũng như F-3 mà Nhật Bản đang phát triển.
Tên lửa không đối không AIM-120C7 có tầm bắn 105 km, được dẫn đường quán tính giai đoạn đầu, cập nhật mục tiêu từ máy bay mang phóng trong giai đoạn giữa và sang đến thời kỳ công kích thì nó sẽ bật đầu dò radar dẫn đường tích hợp trên đạn để tự xử lý nốt công việc còn lại.
AIM-120C7 với tốc độ tối đa Mach 4, khả năng chịu quá tải cao, đầu tự dẫn độ nhạy lớn còn có thể sử dụng khi không chiến trong tầm nhìn, lúc này đầu dò của nó sẽ kích hoạt ngay sau khi rời bệ phóng.
Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật của AIM-120C7 khá ấn tượng, nhưng so sánh với một dòng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn khác do chính Nhật Bản nghiên cứu chế tạo trong nước là AAM-4 thì nó còn có thông số lý thuyết ưu việt hơn.
Tên lửa AAM-4 (còn được gọi bằng cái tên Type 99) do Mitsubishi Electric sản xuất, phiên bản gốc có tầm bắn chỉ 100 km nhưng sang đến biến thể AAM-4B đi vào phục vụ trong năm 2010 thì con số này tăng vọt lên thành 120 km.
Điểm đáng chú ý nhất của AAM-4B nằm ở việc nó là đạn không đối không ngoài tầm nhìn đầu tiên trên thế giới được tích hợp đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Đầu dò đặc biệt này mang lại độ chính xác cao cũng như khả năng kháng nhiễu điện tử ưu việt hơn hẳn so với thế hệ trước cũng như mọi đối thủ khác trên thế giới. Đây chính là vũ khí được kỳ vọng mang lại ưu thế cho tiêm kích Nhật Bản trước J-20 của Trung Quốc.
Ngoài ra trong năm 2014, Mitsubishi Electric còn tiến hành dự án hợp tác cùng MBDA UK để cải tiến AAM-4B bằng những công nghệ áp dụng trên tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn Meteor, mang lại cho nó "Vùng không thể trốn thoát - NEZ" lớn nhất thế giới.
Khu vực NEZ được mô phỏng như một hình nón, trong đó chiều dài và chiều rộng sẽ phụ thuộc vào độ cơ động của tên lửa cũng như hiệu quả làm việc của đầu dò tích hợp trong nó (có thể là loại dẫn bằng radar chủ động, radar thụ động, hồng ngoại hay bám chùm laser...).
Nói cách khác, vận tốc của tên lửa, tầm bắn tối đa mà nó đạt tới, hiệu suất của đầu dò sẽ quyết định tới chiều dài của hình nón trên; trong khi độ linh hoạt (khả năng chịu quá tải bao nhiêu G) của đạn và tốc độ phát hiện mục tiêu trên trục của đầu dò sẽ xác định độ rộng.
Việc Không quân Nhật Bản tiếp tục phải mua AIM-120C7 trong khi đáng ra họ không cần làm việc đó vì đã có trong biên chế vũ khí đáng sợ hơn nhiều là AAM-4B phải chăng vì chương trình đầy tham vọng này đã thất bại, sản phẩm làm ra không đủ độ tin cậy?
Đây có lẽ cũng là tình trạng chung của nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản khi vũ khí của họ chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, khi mang ra đấu thầu nước ngoài thường bị đánh giá thua sút tính năng trong khi giá thành lại cao quá mức.
Một ví dụ có tiêu biểu có thể kể ra đây chính là tàu ngầm Soryu bị Hải quân Australia từ chối mua bất chấp được quảng cáo là có tính năng số 1 thế giới.