‘Sát thủ’ BrahMos và tham vọng lớn của Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos phiên bản nâng cấp phóng từ tàu khu trục đã được hải quân Ấn Độ phóng thử thành công hôm 11/1/2022, mang theo tham vọng lớn của nước này.

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thông báo trên Twitter rằng, các cơ quan chức năng nước này hôm 11/1/2022 đã tiến hành thử nghiệm thành công phiên bản cải tiến trên tàu mặt nước của tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho lực lượng Hải quân Ấn Độ

Theo tin cho biết, phiên bản chống hạm cải tiến của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đã được phóng từ tàu khu trục D66 INS Visakhapatnam, thuộc Dự án P15B (P-15 Bravo), lớp Visakhapatnam (phát triển trên nền tảng tàu khu trục Dự án P15A, lớp Kolkata). Tên lửa đã phóng thành công theo kế hoạch và đánh trúng mục tiêu trên biển.

Tàu khu trục tên lửa mới nhất Visakhapatnam được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 11 năm ngoái. Tàu có lượng giãn nước 7400 tấn, được trang bị 16 tên lửa hành trình siêu âm chống hạm BrahMos và 32 tên lửa phòng không Barak-8, tầm phóng 100km.

Tàu khu trục INS Chennai (D65) lớp Kolkata phóng tên lửa BrahMos
Tàu khu trục INS Chennai (D65) lớp Kolkata phóng tên lửa BrahMos

Trước đó, vào hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Ấn Độ cũng đã thử nghiệm thành công phiên bản BrahMos phóng từ máy bay chiến đấu. Tên lửa đã được phóng thành công từ chiến đấu cơ Su-30MKI tại bãi tập Chandipur ở bang Odisha, miền Đông nước này.

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace nghiên cứu phát triển trên nền tảng cong nghệ của tên lửa hành trình siêu âm P-800 Onyx của Nga, trong chương trình hợp tác phát triển giữa Tập đoàn NPO Mashinostroeniya của Nga và DRDO.

Doanh nghiệp Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace được thành lập vào năm 1998 và được đặt theo tên của các dòng sông Brahmaputra và Moscow (do đó, chữ cái “M” trong tên BrahMos phải được viết hoa). Ngoài các tên lửa hành trình cùng tên, doanh nghiệp này còn sản xuất luôn cả hệ thống bệ phóng, hệ thống điều khiển tên lửa…

Phiên bản nâng cấp phóng từ trên không BrahMos-NG (BrahMos Next Generation)
Phiên bản nâng cấp phóng từ trên không BrahMos-NG (BrahMos Next Generation)

Sau lần phóng thử đầu tiên diễn ra vào năm 2001, đến nay Nga và Ấn Độ đã phát triển thành công nhiều phiên bản khác nhau của tên lửa hiện đang được sử dụng cho cả binh chủng trong Lực lượng vũ trang Ấn Độ, gồm: Lực lượng Mặt đất, Không quân, Hải quân (cả tàu nổi, tàu ngầm và bờ đối hạm).

Do các giới hạn của Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), Nga không thể chuyển giao hết công nghệ của P-800 Onyx, khiến tầm phóng của BrahMos đã bị hạ xuống mức chỉ còn 290km, bằng nửa so với bản gốc của Nga (600 km). Do đó, Ấn Độ luôn muốn nâng cao tầm phóng cho loại tên lửa sát thủ này.

Hiện nay, tên lửa BrahMos của liên doanh này đã đạt tới tầm phóng 400km (tốc độ Mach 3,5) và sẽ được nâng 500km (tốc độ Mach 4,5), cuối cùng có thể lên tới trên 900km với phiên bản phóng từ trên không BrahMos-ER, tốc độ siêu thanh (trên Mach 5).

Nếu thành công, tên lửa BrahMos sẽ nâng cao rất nhiều năng lực tấn công từ trên mặt đất, trên không, trên biển của Ấn Độ, tạo thành sức mạnh tổng hợp ghê gớm cho lực lượng Hải-Lục-Không quân của nước này.