Sạt lở ven sông Đuống: Hàng chục hộ dân bị đe dọa

ANTĐ - Mặc dù chỉ bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, nhưng sau trận mưa lớn đêm mùng 8, rạng 9-8 nhiều hộ dân ven sông Đuống đã lâm vào cảnh mất nhà cửa bất cứ lúc nào…

Khu vực sạt lở tại tổ dân phố 1, khối Đuống,thị trấn Yên Viên

Nửa đêm mất nhà

Đã sinh sống ở đây qua 5 đời, nhưng chưa bao giờ ông Hoàng Ngọc Hồng nghĩ rằng sẽ có ngày mình phải rời bỏ mảnh đất mà dòng họ ông đã sinh sống suốt gần một thế kỷ. Chỉ vào vết sạt lở sâu hoắm đằng sau nhà, ông Hồng nói: “Tôi không ngờ là trận mưa đêm qua lại khủng khiếp như vậy, cả căn bếp rộng gần 16m2 bỗng dưng lăn “ùm” xuống sông. Tất cả chỉ diễn ra trong nháy mắt”.

Nhà ông Hồng gần mép sông Đuống thuộc tổ 1, khối Đuống, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm. Đêm mùng 8, trời mưa như trút nước, ông Hồng nhớ trước lúc đóng cửa đi ngủ, mọi chuyện vẫn diễn ra hết sức bình thường. Thậm chí lúc 18h, ông còn tiếp cán bộ UBND thị trấn đến kiểm tra tình trạng nhà cửa  để phòng bão lũ. Ấy vậy mà lúc 1h sáng  9-8, cả nhà tôi choàng tỉnh dậy vì nghe thấy những tiếng răng rắc bất thường - ông Hồng thảng thốt. Chưa kịp tỉnh cơn ngái ngủ thì một tiếng động khủng khiếp vang lên át cả tiếng mưa sầm sập. Vợ chồng ông đội mưa chạy ra sân thì căn bếp đã không còn thấy đâu nữa. Tất cả đã nằm gọn dưới đáy sông. Kể từ giây phút ấy, cả gia đình ông không thể tiếp tục chợp mắt.

Liên tiếp những trận mưa của hai cơn bão số 5 và số 6 đã đẩy những hộ dân thuộc bờ Bắc sông Đuống vào tình trạng hết sức nguy hiểm. Nền đất “sũng” nước cộng với mực nước sông dâng cao, sóng liên tục vỗ vào hai bên bờ tạo nên những hàm ếch khá lớn khiến bờ sông sạt lở. Sáng 9-8, khi phóng viên An ninh Thủ đô có mặt tại đây thì hầu hết các hộ dân đều đang tất bật thu dọn đồ đạc để đi sơ tán. Không chỉ có gia đình ông Hồng bị “trôi” mất nhà, gia đình bà Nguyễn Bích Tần ở cạnh đó cũng đang có nguy cơ đổ sập. Chỉ vào bức tường đang nghiêng đi trông thấy, bà Tần kể khổ: “Căn nhà của tôi đang sắp sập đến nơi, chỉ sau mấy trận mưa thì các bức tường đều nứt toác vì cả thửa đất đang nghiêng dần ra phía mép sông. Không đi thì lo nhà sập, nhưng lúc này biết đi đâu được bây giờ?”. Điều bà Tần lo lắng nhất là sau khi bão tan, cả gia đình bà sẽ không biết sinh sống thế nào.

Ông Dương Văn Dạn, tổ phó tổ dân phố cho biết, cả tổ dân phố của ông hiện có 7 hộ đang trong tình trạng rất nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Như nhà bà Tần, hiện có thể thấy rõ một hàm ếch đã ăn vào ngay dưới nền nhà. Bằng chứng là trước đây nền gạch lát rất chắc, nhưng bây giờ khi gõ vào có thể nghe rõ tiếng “ồm ộp” của đất ngấm nước. “Chỉ cần một cơn mưa lớn nữa thì cả nền nhà này sẽ sụt về phía bờ sông” – ông Dạn khẳng định.

Khu vực sạt lở tại di tích lịch sử thuộc xí nghiệp gốm xây dựng Cầu Đuống

Di dời khẩn cấp

Theo ông Nguyễn Bình Định - Bí thư chi bộ khu dân cư khối Đuống thì không chỉ có cư dân tổ 1 đang lâm vào tình trạng nguy hiểm mà hiện nay cả thị trấn còn hàng chục hộ dân của tổ dân phố số 2 cũng rất đáng báo động. Phần lớn các hộ dân này đều có nhà nằm sát ven sông. Mặc dù cán bộ của thị trấn thường xuyên bám sát địa bàn trong những ngày mưa bão, nhưng phương án an toàn nhất lúc này vẫn là khẩn trương di dời họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông Định cho biết: “Trước mắt chúng tôi đề nghị bà con tạm thời di chuyển đồ đạc, tàn sản tới gửi ở nhà người thân. Những trường hợp nào không thể tìm được nơi tá túc thì có thể ra nhà văn hóa của tổ để tạm trú trong khi chờ địa phương giải quyết”.

Cũng theo ông Định, ngoài những thiệt hại về tài sản, hiện trên địa bàn còn một điểm di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước xếp hạng cũng đang bị đe dọa. Đó là Xí nghiệp gốm xây dựng Cầu Đuống, nơi đây nguyên là Nhà máy gạch Hưng Ký - từng là địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng từ năm 1929. Đó cũng là nơi du kích treo cờ đỏ sao vàng trên cột ống khói để khích lệ tinh thần chống Pháp của nhân dân. 

Ông Ngô Thành An - Giám đốc của Xí nghiệp xác nhận: Trận mưa đêm qua đã khiến một đoạn tường rào khoảng 20m ngăn cách giữa xí nghiệp với bờ sông bị đổ sập. Khoảng gần 30m2 đất của xí nghiệp cũng đã sạt lở xuống sông. Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là những cột ống khói cao 30m – đặc trưng của di tích lịch sử này vốn được xây dựng từ thời Pháp cũng đang có nguy cơ lăn xuống nước bất cứ lúc nào. Hiện nay mép nước chỉ còn cách chân cột chưa đầy 4m. Chúng tôi đã làm văn bản gửi chính quyền và cơ quan văn hóa để xin biện pháp xử lý, nhưng hiện nay vẫn chưa có hồi âm.

Theo ông Nguyễn Khắc Uyên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên, khu vực sạt lở nói trên trước đây cũng từng xảy ra tình trạng tương tự và địa phương đã phải di dời 116 hộ trong tình trạng nguy hiểm sang khu vực khác. Trước mắt để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, thị trấn sẽ đảm bảo sơ tán hết người dân trong ngày 9-8. Về bố trí tái định cư cho bà con, chúng tôi đang làm đề xuất lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Hy vọng cấp trên sẽ có phương án để ổn định đời sống người dân trong thời gian sớm nhất - ông Uyên nói.