Sáp nhập ngân hàng: Hai mặt lợi-hại, hai mặt thiếu-thừa

ANTĐ - Theo kế hoạch mới nhất vừa công bố ngày 13-4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sắp tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số tổ chức tín dụng, trong đó sẽ xử lý từ 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7 đến 10 ngân hàng. Theo các chuyên gia việc sáp nhập và giải thể một số ngân hàng để tái cơ cấu hệ thống bên cạnh những mặt tích cực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nếu không thận trọng sẽ gây ra những vấn đề khó cho tương lai.

Cơn bão sáp nhập, mua bán ngân hàng…

Thông tin Southern Bank nhập vào  Sacombank đã làm dấy lên phong trào “góp gạo thổi cơm chung” của các nhà băng, danh tính các thương vụ mua bán - sáp nhập của các ngân hàng lớn cũng dần được hé lộ. Trong phong trào đó, “ông lớn” ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thể sẽ dìu dắt một ngân hàng thương mại nhỏ khác. Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) cũng đang dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào kỳ đại hội cổ đông 2014 (ngày 19/4). Theo đó, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và Maritime Bank sẽ được quy về một mối. Gây ồn ào nhất là vụ Ngân hàng Xăng dầu (PG Bank) xin xây dựng một mô hình ngân hàng nằm trong ngân hàng với Vietinbank… Mặc dù khẳng định là “chưa có gì chắc chắn” về phương án sáp nhập vào VietinBank, song Chủ tịch thành viên HĐQT PG Bank cho biết, PG Bank mong muốn sáp nhập với một tổ chức tín dụng phù hợp và không loại trừ khả năng này sẽ diễn ra trong năm 2014.

Thực ra, hoạt động mua bán - sáp nhập không chỉ là một kênh đầu tư thuần túy, mà còn trở thành giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư. Các ngân hàng liên tiếp đưa ra thông tin về tiến trình sáp nhập là biểu hiện về tái cấu trúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn là trong khi ngay cả chính các ngân hàng lớn cũng gặp khó, thì liệu việc “đeo” thêm một ngân hàng yếu kém có trở thành gánh nặng? Các ngân hàng nhỏ đều rất cần một cuộc sáp nhập để giải quyết những non yếu về mặt tài chính hiện nay, trong khi cơ quan quản lý nhà nước từ 2011 đã vạch ra lộ trình dọn dẹp, sắp xếp lại những đơn vị yếu kém.

Một bên là Southern Bank, PGBank, MDB vốn điều lệ 3.000-4.000 tỷ với một phía quy mô vốn đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng (như Sacombank, Vietinbank). Một số chuyên gia nhìn nhận công bố ý tưởng sáp nhập, hợp nhất lúc này là hợp lý bởi đây là cách tốt giúp các ngân hàng nhỏ giải quyết những vấn đề nội tại như non vốn, chất lượng tài sản kém... Song chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng sáp nhập theo phương thức này, các bên nhận sáp nhập sẽ chịu thách thức rất lớn với khoản nợ xấu mà ngân hàng nhỏ mang tới. Tuy nhiên theo chuyên gia Trương Văn Phước, đã đến lúc cần để anh mạnh dìu dắt kẻ yếu thay vì để các ngân hàng yếu loay hoay tụ họp với nhau. Về chuyện lo ngại các “con sâu” có thể làm ngân hàng khỏe yếu đi, ông Phước cho rằng khi quyết định nhận sáp nhập các ông lớn đã tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho mình. “Ngân hàng yếu, nợ xấu cao khi sáp nhập thì sẽ phải định giá khác. Mọi việc phải diễn ra theo nguyên tắc thị trường, tiền nào của nấy thôi”, chuyên gia từng làm Tổng giám đốc Eximbank nói.

Khác với đợt hợp nhất, sáp nhập liên quan 9 ngân hàng yếu kém lần trước, đợt này thị trường thấy có sự xuất hiện của những ngân hàng đầu tàu như Vietinbank, Vietcombank. Tổng giám đốc của ngân hàng đã cơ bản tái cơ cấu thành công trong giai đoạn một phân tích: “Định hướng lớn nhất của quá trình tái cơ cấu, ngoài gút lại số lượng ngân hàng còn là tạo ra những nhà băng có quy mô lớn tầm cỡ khu vực”. Vì vậy theo ông, sự tham gia của những ông lớn trong tái cơ cấu hệ thống gần đây là dễ hiểu. Riêng về trường hợp Vietcombank, dù không hé lộ đối tác nhưng đơn vị này cũng vừa để ngỏ việc “để dành” chủ trương mua bán, sáp nhập trong tương lai.

Lợi hay hại?

Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020. Đứng về mặt thanh khoản mà nói, trong khi vốn của hệ thống ngân hàng hiện nay đang dàn trải, khi chúng ta tóm gọn lại còn 15 ngân hàng nội địa thì nguồn vốn sẽ được tập trung hơn. Khi ngân hàng càng nhiều vốn sẽ càng phát triển mạnh. Với một ngân hàng có vốn lên tới hàng trăm ngàn tỉ thì khả năng cho nhiều doanh nghiệp (DN) lớn vay là điều dễ dàng. Mặt khác, vốn lớn là gối đệm để đỡ ngân hàng đó trong trường hợp gặp rủi ro. Chẳng hạn với ngân hàng có vốn vài nghìn tỉ đồng thì chỉ cần một vài món nợ lớn mà mất vốn thì rất nguy hiểm. Trong khi nếu vốn là vài trăm ngàn tỉ thì một vài DN có gặp khó khăn không trả được, ngân hàng mất vốn vẫn xoay xở và phát triển được.

Trước đây, số ngân hàng thương mại cổ phần đô thị trước cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1998 là khoảng 30. Sau khủng hoảng một loạt ngân hàng thương mại cổ phần bị xóa sổ và số ngân hàng thương mại cổ phần còn hoạt động đã giảm xuống 20 cho đến 2002. Từ 2003 và nhất là từ 2006 đã có chủ trương “tái sinh” một số ngân hàng đã chết, lập các ngân hàng mới hoặc nâng cấp một số ngân hàng nông thôn với quy mô nhỏ ở địa phương thành ngân hàng đô thị với quy mô hoạt động toàn quốc. Vì thế, đến 2008 đã có tổng cộng 35 ngân hàng thương mại tư nhân hoạt động. Nghị định số 141 ban hành cuối 2006 quy định các ngân hàng phải tăng vốn quá nhanh trong thời gian quá ngắn (từ mức tối thiểu 70 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng). Và đến năm 2012 vốn đăng ký của các ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng 45 lần so với 1998.

Việc tăng số lượng và buộc tăng vốn quá nhanh là nguyên nhân chính gây ra sở hữu chéo, vốn ảo và những bất ổn hiện nay của hệ thống ngân hàng. Và cái đáng lo nhất nằm ở đây. Sáp nhập các nhân hàng là sáp nhập cả nợ xấu, cả sở hữu chéo và bao nhiêu hệ lụy của các ngân hàng lẽ ra phải để chết. Bởi vì sáp nhập cũng có thể không giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và vốn ảo (vốn là 2 vấn đề cốt tử phải giải quyết khi tái cơ cấu hệ thống bên cạnh xử lý nợ xấu). Ngân hàng sáp nhập có thể vin cớ vốn điều lệ của nó lớn (bằng tổng của vốn điều lệ của các ngân hàng tham gia sáp nhập), trong khi vốn ảo không được giải quyết, tức là vốn trên giấy đăng ký thấp hơn vốn thực, làm cho tỉ lệ đòn bẩy thực (số tiền nó huy động/vốn riêng) có thể cao hơn tỉ lệ đòn bẩy được báo cáo rất nhiều, gây ra rủi ro nghiêm trọng. Ngoài ra, việc sáp nhập có thể tạo điều kiện cho một số người thâu tóm, lũng đoạn.

Như thế sáp nhập không phải là cách hay nhất để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề nan giải nếu không thận trọng sẽ gây ra những khó khăn cho tương lai.

Bao nhiêu ngân hàng là đủ?

Một câu hỏi được đặt ra là số lượng ngân hàng như vậy có đủ đáp ứng với một nền kinh tế như của chúng ta? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Các ngân hàng hiện nay chỉ mong khách hàng lớn và mục tiêu sáp nhập cũng chỉ tính đến năng lực phục vụ các dự án nghìn tỷ, trong khi đó quá thiếu các ngân hàng phục vụ dân sinh, cho vay tiêu dùng. Lĩnh vực này hiện nay có vẻ  NHNN quyết định “dành đất” cho tín dụng đen và các tổ chức tài chính cho vay với lãi suất không kém tín dụng đen (trên 60%/năm). Nhiều làng xã chỉ mong mỗi xã có một ngân hàng để khi khó có thể chạy vay với lãi suất chịu đựng được mà không có. Trước đây, một số ngân hàng nông thôn cũng đã có chủ trương chiếm lĩnh thị phần này, nhưng cơn bão mấy năm qua đã cuốn họ đi ra thành phố, để rơi vào phá sản và bây giờ là cái bèo trong dòng nước sáp nhập thôn tính. Nông thôn, lĩnh vực dân sinh vẫn khát ngân hàng như xưa. 

Có lẽ, đã đến lúc cùng với chủ trương sáp nhập, cơ cấu… các nhà làm chính sách sau khi quan tâm rút giấy phép một số ngân hàng sẽ lại quan tâm thành lập thêm một số ngân hàng bán lẻ chăng?