Sắp hết thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 14: Đã đến lúc đặt nợ xấu về đúng chỗ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng sẽ “lộ diện” rõ hơn. Dù vậy các chuyên gia cho rằng việc dừng thực hiện Thông tư này là cần thiết để tránh kéo dài nỗi lo nợ xấu trong tương lai.

Chất lượng các ngân hàng bị ảnh hưởng do Covid-19

Theo đánh giá, thời gian qua, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã phần nào bị ảnh hưởng do hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó tỷ lệ nợ xấu trung bình quý 1/2022 tăng trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ so với mức cuối quý 4/2021.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,5% vào cuối quý 1/2022, từ mức 1,39% vào cuối năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng nhẹ lên mức 0,58% so với mức 0,51% cuối năm ngoái.

Tổng cho vay của 15 ngân hàng niêm yết tăng 6,7% so với đầu năm trong khi nợ xấu tăng 11,4%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về mức 147,2% vào cuối quý 1/2022 từ mức 151,4% vào cuối năm 2021, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 108,6% vào cuối năm 2020.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect nợ xấu tăng lên trong những tháng tới cũng là điều đáng lưu ý khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên tới 7,3% nếu tính cả các khoản cho vay tái cơ cấu và nợ xấu bán cho VAMC, tương đương mức nợ xấu giai đoạn 2016-2017.

Nợ xấu các ngân hàng sẽ tăng mạnh khi Thông tư 14 hết hiệu lực

Nợ xấu các ngân hàng sẽ tăng mạnh khi Thông tư 14 hết hiệu lực

Trước đó, Thông tư 14 được ban hành tháng 9/2021 sửa đổi các Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Thông tư 14, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với số dư nợ gốc, hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Đến 30/6/2022 này, thời hạn cơ cấu nợ theo theo quy định tại Thông tư 14 sẽ kết thúc.

Đã đến lúc đặt nợ xấu về đúng chỗ

Dù nợ xấu dự kiến sẽ tăng mạnh, tuy nhiên, theo Chứng khoán VNDirect, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn 2016-2017. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã đạt mức cao nhất lịch sử tại hầu hết các ngân hàng vào cuối năm 2021.

Mặt khác, các ngân hàng cũng đã thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu thay vì mức 30% như quy định.

“Theo quan điểm của chúng tôi, nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng sẽ có thể giảm thiểu được tối đa rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian sắp tới. Thêm vào đó, các ngân hàng đang nỗ lực tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR), điều này được thể hiện qua sự cải thiện CAR trong quý 1/2022.

Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhằm tăng cường hệ số CAR, tiến tới lộ trình áp dụng Base III” – các chuyên gia VNDirect đánh gia.

Về việc có nên kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 14 hay không, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến dừng thực hiện các quy định tại Thông tư này. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng việc tiếp tục giãn nợ theo Thông tư 14 khiến nhiều nhóm nợ không được đặt đúng chỗ có thể những rủi ro tiềm ẩn vẫn cứ “ẩn” và điều đó không phải điều tốt.

Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp cũng đến lúc cần tự nỗ lực, chứ không nên trông chờ dựa dẫm mãi vào chính sách, vì hiện tại các yếu tố kinh tế đã tốt hơn trước rất nhiều.

“Theo tôi nên dừng việc thực hiện theo các quy định tại Thông tư 14, bởi lẽ, dù là nợ xấu hay nợ dưới chuẩn được cơ cấu lại thì ngành Ngân hàng đang chịu rủi ro, nếu tiếp tục kéo dài thì sẽ kéo dài nỗi lo nợ trong tương lai.

Các tổ chức cũng nên nhìn nhận và đánh giá lại doanh nghiệp của mình, có giải pháp để tiếp tục duy trì, tìm kiếm nguồn vốn. Do đó, việc dừng Thông tư 14 vào

thời điểm ngày 30/6/2022 là phù hợp để các tổ chức tín dụng có hướng xử lý dần những khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.