Sập bẫy cave trải chiếu, lộ mặt cao thủ lột đồ của nhóm ma cô

ANTĐ - Khu vực Công viên Hòa Bình, đường Phạm Văn Đồng đã từ lâu nổi tiếng bởi tệ nạn mại dâm đứng đường. Đây vốn là “bãi đáp” những ả cave hết “đát” mưu sinh qua ngày. Chính vì thế mà nơi đây nhanh chóng trở thành “thiên đường” cho cánh xe ôm, thợ xây, lao động tự do ít tiền muốn “đổi gió”. Chỉ cần một manh chiếu hẹp là có thể vô tư “hành sự” giữa “khách sạn ngàn sao” với giá chỉ hơn 100.000 đồng. Rẻ, nhanh, tiện, nhưng họ không biết rằng có thể “sập bẫy” đám ma cô bất cứ lúc nào.

Cave trải chiếu và “khách sạn ngàn sao”

Khi các con phố đã lên đèn, dòng người qua lại đã thưa thớt cũng là lúc những bóng người lấm lét xuất hiện quanh những gốc xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng. Ẩn hiện sau mỗi gốc cây đã được phân định rõ ràng ranh giới địa bàn, là những cô cave hết “đát”, quần áo nhầu nhĩ, son phấn lòe loẹt. Mỗi khi có người đi chầm chậm chạy bên lề đường, như một hệ thống, qua gốc cây của ai, người ấy lên tiếng mời gọi. Trong vai một anh thanh niên có nhu cầu vui vẻ, tôi bắt đầu hành trình của mình.

 Bắt đầu từ cổng Công viên Hòa Bình. Nơi đây vốn sáng đèn cho tới nửa đêm, các quán trà chanh, mía đá vỉa hè cũng là nơi các “chị em” nghỉ chân sau mỗi lần tiếp khách chuyện phiếm. Tôi cũng kéo ghế ngồi và gọi một cốc nước mía, và cố tỏ vẻ như mình đang đợi khách hẹn. Cùng ngồi với tôi có mấy ả cave nhưng dường như họ chẳng buồn để ý đến việc tôi ngồi bên cạnh. Miệng ngậm ống hút nước mía, một chị ngoài 40 lên tiếng: “Bắt đầu lạnh rồi đây, khách đòi vào nhà nghỉ, tiền phòng đã vài chục nghìn lại còn bị mặc cả, chẳng bõ công cởi quần áo”. Một chị khác vừa ngồi xuống ghế, gỡ bỏ chiếc khẩu trang trắng đã chuyển màu cháo lòng, chêm vào câu chuyện: “Bà có khách là còn may, ngày hôm nay mấy thằng khách mà chẳng thằng nào thèm dừng lại bắt lời”. Sau một hồi ngồi than vãn, “đội quân” cave này cũng lũ lượt kéo nhau trở về những gốc cây quen thuộc của mình. 

Thấy tôi nhìn theo những bà cô cave quá tuổi này, anh bán nước mía vui chuyện: “Trông chú em kính cận trí thức thế kia mà cũng đi tìm cave trải chiếu cơ à. Hay là hết tiền rồi mà người cứ nóng phừng phừng. Nếu chú em có nhu cầu thì bỏ ngay cái kính ra, cứ để xe đây anh mày trông cho, chứ không chẳng đứa nào nó ra vẫy đâu”. Tôi ậm ờ trả lời anh bán nước, rồi trả tiền dắt xe lượn vài vòng đường Phạm Văn Đồng đoạn đối diện công viên Hòa Bình. Từ đằng xa, thấy một anh thanh niên trông bộ dạng giống công nhân đi ra từ lùm cây vẻ mặt rất thoải mái lững thững cuốc bộ về phía cổng công viên. Hóa ra anh này vừa “hành sự” ngay tại lùm cây. Lúc đấy tôi mới thật sự  tin lời của anh chủ hàng nước. Quay lại quán nước mía, toan gửi xe để tiếp tục cuộc hành trình, anh bán nước phẩy tay: “Anh nói chú không nghe, giờ thì vác thằng em về ngủ luôn đi, chúng nó nhận mặt rồi, chẳng cơm cháo nước non gì nữa đâu. Ngày mai nghe lời anh, đi vòng từ khu ngoại giao ra quán anh gửi xe, đi bộ ra đấy. Mà nhớ cất cái kính đi nhé, đeo kính thì cũng có làm chú mày trí thức lên tí nào đâu. Đằng nào chẳng đi kiếm cave đứng đường”. 

8h tối ngày hôm sau, trong bộ dạng mới, áo phông, quần bò rách sờn mất cả gấu quần, chân đi dép tông và nhất là bỏ chiếc kính cận ở nhà, tôi trở lại Công viên Hòa Bình. Nhìn thấy tôi, anh nhận ra ngay, cười  giả lả: “Được rồi đấy, nhưng đợi một chút, phố mới lên đèn, chúng nó chưa ra đâu, tầm 9h là đẹp, làm cốc nước mía coi như tiền gửi xe cho anh luôn”. Mặc dù là cave đứng đường, là loại cave hạ giá nhưng những ả cave ở đây cũng cẩn thận vì liên tục bị lực lượng chức năng hỏi đến, tuần nào mà chẳng có vài cô làm liều bị công an tóm. Khách hàng của những cave này thường là những anh thợ xây, công nhân, nên chỉ cần nhìn bộ dạng khách hàng là các chị “bắt sóng” ngay. Nói một cách hài hước, cave quá đát cũng phải có phom, có gu khách riêng không đụng hàng. Cave ở đây thông thạo đường ngang lối tắt, cứ nhác thấy bóng dáng công an, hay những người “lệch pha” lượn lờ, là y như rằng các ả nháo nhào chạy ra phía sau lùm cây ẩn nấp, người thì nằm im nín thở, người thì mướt mải mà chạy thẳng vào những ngõ nhỏ tối đen phía đằng sau. 

Tôi loẹt quẹt đôi tông gan gà mới mượn của anh thợ xây của nhà đầu ngõ, ra “bãi đáp” chợ người của các chị. Lập tức, các ả cave ở các gốc cây túa ra nườm nượp, chào mời, tiếng cười khanh khách đến rợn người. Có những cô còn dè chừng vẫn núp trong những bụi cỏ cất tiếng gọi mời the thé. Gớm cứ như ma làm. Cảm giác ấy làm tôi rợn tóc gáy. Để đề phòng và giả làm người dân bình thường đi dạo công viên, cô nào cô đấy cũng kín bưng trong bộ áo chống nắng chỉ khi có khách mới ló mặt, cởi cúc để lộ bộ quần áo hở hang đến nửa khuôn ngực. Dừng lại ở một bà chị trông chỉ ngoài 30, có lẽ cũng là trẻ nhất trong số những cô cave ở đây. Mùi son phấn rẻ tiền quyện với mồ hôi nhớp nhúa sộc lên khiến tôi khó chịu. Gương mặt trát đầy phấn mà tôi tưởng như mỗi lần chị gái nhếch mép, trề đôi môi ra là tảng phấn son kia rụng lả tả. Cuộc ngã giá chóng vánh bắt đầu. 150.000 một cuốc tàu nhanh, bao cao su đầy đủ, hành sự ngay tại “công viên ngàn sao” phía đằng sau. Nếu khách muốn vào nhà nghỉ, thì tiền phòng tự trả. Tôi cũng trả giá cho đúng kiểu đám công nhân vẫn thường làm: “100.000 tàu nhanh, qua đêm 300.000 để anh rủ thêm anh bạn. Nhà nghỉ bọn anh lo”.

Cô cave tỏ ra vẻ sành sỏi, sẵn sàng dẫn thêm một cô khác đi, nhưng một mình cô thì giá qua đêm không dưới 500.000 đồng. Không đồng ý với giá 150.000 đồng tôi vờ quay lưng bỏ đi, ngay lập tức cô gọi với theo và dẫn tôi vào trong đất trống, bốn bề xung quanh vắng lặng làm tiếng rên rỉ xung quanh càng trở nên ma mị, đáng sợ. Nói thật là tôi cũng hơi chờn chợn với cái cách làm chuyện ấy ở manh chiếu hẹp giữa “khách sạn ngàn sao” này.  Một chiếc chiếu được trải sẵn giữa đống gạch đá lổn ngổn đúng giá cho một “cuốc” tàu nhanh. Thấy tôi có vẻ sượng sùng, sợ tôi đổi ý, với tốc độ không thể nhanh hơn, cô cave cởi bỏ chiếc áo chống nắng, khẩu trang, chuẩn bị trút nốt mảnh vải trên người tôi khựng lại. Ả cave ra chừng hiểu ý, khẽ khọt nói với tôi: “Hay anh trẻ thích tư thế đứng, em đây chiều tất. Tuổi đời với tuổi nghề của em tỉ lệ thuận với nhau, em cũng từng tiếp hàng trăm thằng còn quái gở lắm. Thích thì em bỏ cả chiếu cho thêm phần hoang dại”. Đến đây thì tôi thật sự hoảng hồn, cắm đầu bỏ chạy mặc cho những tiếng chửi thề chát chúa vang lên đằng sau. 

Cả đám ma cô

Chưa ra khỏi bãi đất, tôi đã bị một tay ma cô, xăm trổ đầy mình, chặn lại: “ĐM. Chơi cave mà định quỵt tiền à!”. Một phát tát giáng xuống, tôi nhanh người né được, phân trần: “Anh ơi em trót dại. Em chưa làm gì cả, em xin trả tiền đầy đủ”. Mặc cho tôi thanh minh, tay ma cô cùng ả cave và đám “đồng nghiệp” của ả nhanh chóng vây lấy tôi. Ả bắt tôi nộp phạt 500.000 đồng vì dám “phá hợp đồng”, nhìn đám cô hồn, nam nữ phì phéo thuốc xung quanh mạt sát mà tôi đành bấm bụng rút 200.000 đồng ra với lời bào chữa, em chỉ còn từng này, các anh chị tha cho em. Mất một lúc lâu, tôi mới được tha về cùng một cú sút vào mông và lời nhắc nhở: “Ngoan từ đầu có phải vừa được sướng vừa đỡ mất tiền ngu không oắt con”. Tôi lủi thủi bước về phía quán nước mía trong bộ dạng tả tơi. Thấy vậy, anh bán nước vồn vã: “Quần thảo ghê thế cơ à, xong chưa, thích nhé, sau cần thì cứ qua anh, làm cốc nước để lại xe anh trông cho”. 

Quán nước mía vắng khách dần, lác đác chỉ có mấy người đi tập thể dục về vì công viên đã đóng cửa, anh  nước mía cũng lục tục dọn hàng. Vừa dọn hàng vừa trò chuyện với tôi và còn tỏ vẻ thông cảm cho một kẻ “lính mới tò te” như tôi. Qua việc “đi chợ” cave và trò chuyện với anh nước mía tôi mới thấy tệ nạn mại dâm ở cái công viên này không hề đơn giản. Có bảo kê, có dắt mối, có tổ chức, có mặc cả bán mua và có không biết bao nhiêu mánh lới làm tiền khách làng chơi. Đầu tiên phải kể đến chiêu lột đồ của khách. Khách vào đến chiếu, ngay lập tức có cả đám bậu xậu ra luộc sạch. Thế nên không ít kẻ háu gái sau những màn mây mưa  quay ra thì ôi thôi ví tiền, điện thoại đều mất sạch. Khối người còn phải quay trở lại đây đem tiền đến để chuộc lại giấy tờ, tài sản. Ê chề hơn, có những kẻ chỉ còn cái quần lót đi về. Thế nhưng chẳng ai dám báo công an vì sợ điều tiếng, vì cái tội đi chơi gái bán hoa. Nực cười hơn, có anh vào đấy bị cô cave thông báo hết bao cao su. Ngay lập tức, đám ma cô ùa tới ép phải mua với giá 100.000 đồng. Không mua thì biết lấy gì hành sự, đành ngậm bồ hòn làm ngọt thì thôi đành vậy. Thông thường, mỗi khi có biến, các cô cave lại để cho đám ma cô ở lại mà giải quyết, còn mình thì lủi đi lúc nào không hay.

Mại dâm trải chiếu trên đường Phạm Văn Đồng đã trở thành một điểm đen về tệ nạn. Nơi đây đã trở thành bãi đáp cuối cùng của những ả cave hết “đát”, không ai dám chắc rằng trong những ả đó có cả những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ chỉ chờ đến ngày phát bệnh. Nhức nhối là vậy nhưng ở đây vẫn nườm nượp khách làng chơi ít tiền tìm đến.