Sắp ban hành nhiều quy định mới về đại lý ngân hàng, tiền điện tử, mobile money...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng ngay trong tháng 9 này, sẽ trình Chính phủ các Nghị định liên quan đến vấn đề lớn như: đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money... giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Đây là thông tin được ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sáng nay 10/9.

"Hòn đá tảng" là thói quen

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2020, dự kiến cả nước có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%. Tại nhiều ngân hàng lượng khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến chiếm tới hơn 90%. Đơn cử như Vietcombank là 92%, nhiều ngân hàng khác lên đến 80-90%, còn lại giao dịch tại quầy chỉ khoảng 10%.

Tuy nhiên, NHNN cho rằng vẫn còn những tồn tại trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Trong đó, "hòn đá tảng" lớn nhất là thói quen". Ai đã dùng Mobile Money rồi thì không muốn quay trở lại dùng tiền mặt nữa. Không ai muốn đang ngủ trưa mà có người bấm chuông thu tiền. Nhưng cái cần chính là những "đòn bẩy chính sách", cần sự tiện lợi, truyền thông mạnh đến người dùng" - ông Phạm Tiến Dũng nói.

Hành lang pháp lý , hạ tầng công nghệ đang là những vấn đề quan trọng trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Hành lang pháp lý , hạ tầng công nghệ đang là những vấn đề quan trọng trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Cũng theo đại diện NHNN, hiện nay, gần 70% người dân đã có tài khoản ngân hàng, nhưng con số còn lại mới là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất.

"Muốn tăng lượng tài khoản ngân hàng nhưng lại đòi hỏi chữ ký tươi, đòi hỏi người dân phải đến quầy thì làm sao tăng được. Chúng ta không thể nói tài chính toàn diện nếu chi nhánh ngân hàng vẫn xa hàng trăm km so với người dân ở vùng sâu, vùng xa; thu nhập người dân chỉ 500 nghìn đồng/tháng thì làm sao họ có thể chi mấy trăm nghìn đồng để lên ngân hàng mở tài khoản. Nên cái này phải đòi hỏi sự thuận tiện, phải có hành lang pháp lý".

Do đó, thúc đẩy tài chính toàn diện đang là chiến lược lớn của NHNN. Để thực hiện chiến lược này, sự hỗ trợ của công nghệ và hành lang pháp lý vô cùng quan trọng. Chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng.

Gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý

Ông Phạm Tiến Dũng kỳ vọng, ngay trong tháng 9/2020 này, NHNN sẽ trình được các Nghị định liên quan đến các vấn đề lớn như: đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế và Mobile Money.

Với Mobile Money, nhiều ngân hàng lo sợ thị phần sẽ bị ảnh hưởng, nhưng theo đại diện NHNN, thực tế, tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money không khác nhau về đặc tính kỹ thuật, điểm khác biệt là Mobile Money chỉ là tài khoản thanh toán có giá trị nhỏ (hạn mức tối đa 10 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, các nhà mạng không phải là định chế tài chính nên tiền nạp vào Mobile Money không được cho vay mà phải nộp vào tài khoản ngân hàng. Việc ra đời tài khoản Mobile Money bên cạnh ví điện tử, tài khoản ngân hàng... sẽ tạo ra hệ thống tài khoản đa cấp độ, góp phần thúc đẩy tín dụng toàn diện.

Đặc biệt, eKYC (định danh điện tử) là vấn đề nóng hiện nay, NHNN đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn, khả năng sẽ ban hành trong tháng 9 này. Khi eKYC ra đời, người dân có thể dùng điện thoại để mở tài khoản.

Cũng theo đại diện NHNN, xu hướng hiện nay đang hướng tới là ngân hàng không chi nhánh, giao dịch viên thành chi nhánh viên. "Tại hầu hết ngân hàng lớn, khách hàng hoàn toàn có thể giao dịch được nhiều dịch vụ qua mạng hơn là giao dịch tại quầy. Vì vậy, vấn đề là phải thay đổi mô hình, thay đổi pháp lý. Trong đó, có 3 nội dung lớn phải xử lý là: eKYC, điện toán đám mây và tín dụng cho khách hàng cá nhân" - ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

Về hạ tầng, phía NHNN cho rằng hiện nay các ngân hàng đã làm rất tốt. Nhưng vấn đề là phải có sự kết nối, tích hợp hạ tầng. "Hiện nay ai làm chủ hệ sinh thái số thì người đó làm chủ thị trường. Ngành ngân hàng đã làm rất tốt, nhưng khi vào một bệnh viện 6 tầng thì có 6 ứng dụng khác nhau, mỗi tầng lại đòi hỏi ngân hàng phải bỏ chi phí để sửa. Thế nên chỉ 1 bên chìa tay thì không làm được" - ông Dũng nêu vấn đề.