Sao vẻ đẹp mãi tiềm ẩn?

ANTĐ - Sở VH-TT&DL Hà Nội vừa tiến hành khảo sát tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) để xây dựng nơi đây trở thành điểm đến du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô, lựa chọn một số cơ sở mua sắm để xếp hạng "Dịch vụ mua sắm đạt chuẩn". Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở sản xuất và các cửa hàng phục vụ khách du lịch tại Vạn Phúc… 

Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc sẽ kết hợp với các công ty du lịch tổ chức đưa khách tham quan, giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của làng nghề tới công chúng trong và ngoài nước.

Việc làm trên của ngành Du lịch Thủ đô sẽ tạo thêm một mắt xích kết nối điểm đến những thị trường du lịch. Bên cạnh làng nghề gốm Bát Tràng thì làng tơ lụa Vạn Phúc được coi là có tiềm năng du lịch phong phú, với ưu thế nằm gần trung tâm Thủ đô, có khả năng thu hút khách du lịch tới tham quan. Nhưng Vạn Phúc vẫn chưa thu hút nhiều khách vì nhận thức về du lịch của người dân còn hạn chế, hạ tầng chưa đảm bảo, các dịch vụ du lịch còn đơn giản, không có tính chuyên nghiệp.

Có rất nhiều hình thức du lịch nhằm “móc tiền” từ hầu bao du khách. Tiếc rằng hiện tại có thể thấy rằng túi du khách vẫn rủng rỉnh khi rời khỏi Việt Nam. Và đáng buồn hơn là  tỉ lệ du khách quay trở lại chưa được bao nhiêu. Không phải chúng ta thiếu tính hiếu khách mà thiếu sự đa dạng các sản phẩm du lịch khả dĩ đáp ứng nhiều mặt của khách, thiếu cả nơi và vật phẩm kỷ niệm để du khách phải tiêu tiền, mua hàng. Những sản phẩm du lịch hiện còn nghèo nàn, đơn điệu. Các đơn vị làm du lịch mới chỉ kinh doanh trên phần được thiên nhiên ưu đãi, khai thác những địa danh do tiền nhân để lại mà không biết phát triển thêm.

Việc khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa là nhu cầu không thể thiếu của du khách. Các yếu tố văn hóa kết tinh thành giá trị vật thể như những công trình kiến trúc nghệ thuật cung Vua, phủ Chúa, đền, chùa, những di tích khảo cổ… là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Thế nhưng, có không ít địa chỉ du lịch sau nhiều năm khách trở lại vẫn thế, không được đầu tư, tôn tạo. Trái lại, cũng đang rộ lên phong trào “làm mới” mà như tàn phá di tích khiến dư luận ồn ào, báo chí tốn không ít giấy mực. Rồi nữa những hình ảnh phản cảm, chèo kéo, chặt chém du khách như giọt nước làm tràn ly, khó thuyết phục du khách trở lại.

Những năm gần đây, những dịp lễ, Tết số khách đi du lịch nước ngoài tăng cao. Đó một phần là do mức sống người dân đã được cải thiện, nhưng thật giật mình khi thấy còn vì một lẽ nữa là do giá du lịch nội địa cao hơn nên người ta mới đổ xô đi nước ngoài. Du lịch trong nước đã chẳng có gì độc đáo mà giá tour hoặc ngang bằng nếu như không phải là cao hơn một chuyến du lịch nước ngoài.

Cứ vậy thì vẻ đẹp Việt Nam mãi tiềm ẩn, mãi đơn điệu như bấy lâu nay.

Kỳ vọng khi mô hình liên kết khai thác ngành công nghiệp “không khói” như lần này ngành Du lịch Hà Nội triển khai sẽ đạt chiều sâu để hấp dẫn du khách. Một khi các địa phương và nhà lữ hành thôi không chăm bẵm thu “tiền tươi thóc thật” cho riêng mình, mà cùng nhau đầu tư làm đẹp hơn, giàu thêm giá trị sản phẩm, tạo đặc sản trên thế mạnh, bản sắc địa phương thì khi đó “vẻ đẹp tiềm ẩn” mới được khám phá.