Vai bà nội trong phim truyền hình “Bánh đúc có xương” (VTV1) đạt tới nỗi, hàng xóm vỗ vai:

“Sao bà ác thế!”

ANTĐ - Bà nội trong bộ phim truyền hình “Bánh đúc có xương” đang phát trên sóng “giờ Vàng” kênh VTV1 do NSƯT Ngọc Lan đảm nhận được khán giả đón nhận đến  nỗi, có lần đi ra đường, người hàng xóm vỗ vai bà và hỏi: “Sao bà ác thế!”…

Cảnh quay trong phim “Bánh đúc có xương”

Vai diễn khác hẳn ngoài đời

NSƯT Ngọc Lan kể, nhiều lúc đi chợ từ sáng sớm mà thành ra mãi muộn mới về đến nhà vì các bà, các cô xúm lại hỏi han về vai diễn mà bà đang đảm nhiệm trong bộ phim “Bánh đúc có xương”. Có lần thấy bà đứng trên tầng phơi quần áo,  một người qua đường vòng xe lại chỉ để gặp bà và bình luận về vai diễn. NSND Trà Giang, bạn học với bà ở khóa I lớp diễn viên Điện ảnh cũng gọi điện từ TP.HCM ra: “Lan sắm vai diễn bà nội hay quá chừng. Lâu rồi mới được xem một vai diễn cá tính và hấp dẫn như vậy”. Người bạn đời của bà - họa sỹ Ngô Mạnh Lân, nguyên Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phải thốt lên “Khiếp, sao bà ác thế? Cái mặt bà đang tươi vui thế mà bỗng chốc sầm sì ngay được”. 

Nhưng ít ai biết ngoài đời NSƯT Ngọc Lan nổi tiếng với vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ Hà Nội xưa. Chính ngoại hình ẩn chứa nét duyên thầm ấy mà bà luôn được các đạo diễn tin tưởng giao vào vai cô giáo hay người mẹ tảo tần, nữ tính. Vai bà nội trong “Bánh đúc có xương” là một trong 3 vai diễn mà NSƯT Ngọc Lan đảm nhận trái ngược với tính cách ngoài đời. Đây cũng là vai diễn già nhất từ trước đến nay của bà. Nhận vai diễn này, bà lo lắm. Cái lo còn ở chỗ phải học thoại nhiều. Ở tuổi 73, học thoại và diễn xuất ra chất nhân vật được NSƯT Ngọc Lan thực hiện rất nghiêm túc. Trước mỗi cảnh quay, bà thường đứng trước gương, tập diễn và tập học lời. 

Đóng chứ không diễn

Trong phim, NSƯT Ngọc Lan hóa thân thành bà nội đầy cay nghiệt với tạo hình ấn tượng từ kiểu tóc chải ngược lên đỉnh đầu, đến cả chục chiếc áo cánh thay đi đổi lại trong mỗi cảnh diễn, vòng cổ, nhẫn… đều do bà tự nghĩ ra và sắm sửa để gần với hình ảnh của nhân vật nhất. Đặc biệt, gương mặt được bà tự đánh giá là “nhạy lắm, tôi chỉ diễn một tí thì lên chất ngay” nên có những cảnh quay bà phải tiết chế để ít ác nghiệt. Khi nhớ về vai diễn, NSƯT Ngọc Lan không sao quên được nỗi lo trong một cảnh quay bà nội đánh con trai (NSƯT Đỗ Kỷ). Cây gậy trúc vung lên, vụt xuống lưng Đỗ Kỷ đến mấy lần, cảnh quay mới hoàn thành. Tuy đã lựa góc độ lợi thế nhất cho hình ảnh “giơ cao đánh khẽ” nhưng cú vụt của bà vẫn khiến NSƯT Đỗ Kỷ kêu oai oái. Và một cảnh quay khác cũng rất đáng nhớ với NSƯT Ngọc Lan. Do trở trời, bệnh khớp tái phát, đau đến không đi được nên cảnh quay đám cưới cháu gái (nghệ sỹ Diệu Hương), đoàn làm phim phải cõng NSƯT Ngọc Lan đặt bà ngồi yên vị trên một chiếc ghế. Cảnh quay đã hoàn thành và khán giả chỉ thấy bà nội mặc áo dài ngồi đón khách suốt từ đầu đến khi đám cưới kết thúc. 

Tuy làm diễn viên nhưng NSƯT Ngọc Lan lại tâm niệm “Cái gì cũng vậy, mình làm thực tâm thì sẽ thu được nhiều quả ngọt, vai diễn sẽ thật hơn khi người nghệ sỹ đóng chứ không phải diễn”. Ở vai diễn này, sự đồng cảm giữa nhân vật và diễn viên đã đưa đến cho NSƯT Ngọc Lan sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy khác nhau nhiều với tính cách nhân vật nhưng NSƯT Ngọc Lan lại tìm thấy điểm tương đồng ở chỗ: cả bà và nhân vật đều là những người phụ nữ của gia đình, yêu chồng thương con, hết lòng vì gia đình. Bà nội trong phim cho dù có hà khắc ở bề ngoài nhưng bên trong bà lại có tâm với con cháu. Và như sự tình cờ, bà nội “Bánh đúc có xương” rất vui khi có cháu nội thì NSƯT Ngọc Lan ngoài đời cũng đang rất hạnh phúc với đứa cháu nội đầu tiên vừa chào đời. Bà làm cả thơ để dành tặng đứa cháu yêu. Niềm hạnh phúc viên mãn của một gia đình hạnh phúc, sum vầy và sự thành công từ vai diễn như chất xúc tác giúp bà sống vui, sống khỏe với những dự định nghệ thuật tiếp theo và các hoạt động cộng đồng nhiều ý nghĩa.