Sáng tác… lười

ANTĐ - Nói cho đúng thì đó chính là hành vi đạo nhạc, nói đúng hơn nữa là “ăn cắp nhạc”. Trên nền nhạc của người khác đã được hòa âm sắn, biến hóa thành cái của mình, rồi đóng mác ghi tên mình vào vị trí tác giả ca khúc. Xu thế sáng tác nhạc “lười” này đang diễn ra khá phổ biến làm vẩn đục đời sống âm nhạc…

Sáng tác… lười ảnh 1

Ai cũng có thể sáng tác!

Nhạc sĩ trẻ Việt Thắng, từng đoạt nhiều giải thưởng của chương trình Bài hát Việt cho biết: Với kiểu sáng tác “lười” như vậy thì giờ đây người người nhà nhà đều có thể trở thành nhạc sĩ và có cho riêng mình những ca khúc “đạo nhưng không đạo”. Nhiều người vẫn tự coi mình là nhạc sĩ còn ngang nhiên lấy nhạc nền những ca khúc nổi tiếng của thế giới, mang về nghêu ngao theo đúng hợp âm, nghĩ ra giai điệu mới trên nền nhạc beat cũ. Và cũng phát hành, đóng mác ghi tên mình là người sáng tác. Những người sáng tác kiểu này lại không bao giờ nghĩ rằng cách làm của họ là “ăn cắp” nhưng họ cần phải biết rằng với giới chuyên môn và khán giả yêu nhạc sẽ không bao giờ chấp nhận một sản phẩm ăn theo như vậy. Không những thế, lối sáng tác kiểu dễ dãi này sẽ làm hỏng ngay chính những người muốn trở thành nhạc sĩ. Âm nhạc là sản phẩm của tâm hồn mà, người sáng tác bằng sự gian trá thì khó thuyết phục được người khác. 

Việc mượn ý tưởng nhạc nền để sáng tác không phải lần đầu tiên xuất hiện trong showbiz Việt. Mà những trường hợp vay mượn này lại chỉ xảy ra với những nhạc sĩ trẻ. Còn nhớ vụ việc lùm xùm năm 2008, khi ca khúc “Mưa”, sáng tác Minh Vương do Thùy Chi và nhóm M4U thể hiện cũng dính nghi án đạo nhạc. Bài hát “Mưa” khi đó đang rất hot và còn lọt sâu vào bảng xếp hạng chương trình Bài hát Việt 2008. Nhưng ca khúc này được người nghe phát hiện ra là khá giống với ca khúc Aitai của nam ca sĩ Hàn Quốc Se7en. Sau khi được phân tích mổ xẻ, thì bài “Mưa” và “Aitai” giống nhau đúng 12 nốt nhạc. Và khi đó Minh Vương được kết luận “trắng án” khi không đạo nhạc, nhưng ca khúc “Mưa” từ đó cũng không được nhắc đến. Sau đó không lâu, ca khúc “Em” của nhạc sĩ Mr.Siro Quốc Tuấn cũng được cho là lấy toàn bộ phần nhạc nền của ca khúc Invisible của nhóm nhạc Hàn Quốc Monday Kidz. 

Gần đây nhất là trường hợp các ca khúc của Sơn Tùng     M-TP, dư luận cũng đang xôn xao vì cho là lấy toàn bộ phần nhạc nền từ các ca khúc quốc tế. Toàn bộ các ca khúc của Sơn Tùng M-TP cũng đã được “khẩn trương” đưa ra khỏi bảng xếp hạng của Làn Sóng Xanh, Bài hát yêu thích… Nhóm FB Boiz cũng vướng vào scandal đạo nhạc khi bài hát Tương tư của họ bị Hội đồng thẩm định Bài hát Việt tước giải Bài hát của tháng. Nhạc sĩ trẻ Việt Thắng cho biết ca khúc này được thực hiện trên nền nhạc có sẵn của Hàn Quốc. Người sáng tác “Tương tư” chỉ việc thêm giai điệu vào trên nền nhạc có sẵn, rồi viết lời. Nên những sáng tác kiểu này có cấu trúc rất giống với bài hát gốc và bị trùng lặp giai điệu. Nhưng nhiều nhạc sĩ trẻ của Việt Nam muốn nổi tiếng nhanh, sáng tạo vừa vừa kiểu khôn lỏi như vậy sẽ không được bền. Và tất nhiên nền âm nhạc Việt Nam không chấp nhận những sáng tác “đạo” kiểu như vậy. 

Nên tẩy chay vì một nền âm nhạc sạch

Nếu cứ sáng tác nhạc kiểu “vay mượn” như hiện nay thì nền âm nhạc Việt Nam sẽ đi về đâu?  Nhạc sĩ Đỗ Bảo đã từng nói: Người nhe nhạc ở Việt Nam chỉ chú ý đến phần giọng hát của ca sĩ, giai điệu của bài hát mà quên mất đi phần nhạc đệm, hòa âm phối khí. Thế nên việc đạo nhạc nền càng lúc càng phát triển. Một số dòng nhạc thịnh hành trên thế giới thì nhạc nền lại đóng vai trò quan trọng hơn cả giai điệu. 

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã ra công văn đề nghị Cục Bản quyền có biện pháp cấm lưu hành ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP. Được biết ca khúc này nằm trong bộ phim Chàng trai năm ấy đang chuẩn bị được chiếu ra mắt. Do sự cố về ca khúc trong phim, nên bộ phim Chàng trai năm ấy cũng đành phải hoãn công chiếu. Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP gần như giống với Because I Miss You của nam ca sĩ Hàn Quốc Jung Yong Hwa. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: Hành động của Sơn Tùng M-TP là nghiêm trọng vì vi phạm quyền tác giả quốc tế. Những trường hợp đạo nhạc tinh vi như Sơn Tùng M-TP cần phải xử lý nghiêm vì một nền âm nhạc Việt Nam phát triển. Còn vị nhạc sĩ kỳ cựu Trương Ngọc Ninh khi nghe ca khúc của Sơn Tùng M-TP thì khẳng định giống nhau đến 80%, ông cho rằng nếu cứ sáng tác kiểu này thì âm nhạc Việt Nam sẽ có tiếng là đạo nhạc quốc tế, nếu cứ để như vậy thì nhiều nhạc sĩ trẻ khác cũng sẽ làm theo bởi sáng tác như vậy quá đơn giản lại còn dễ nổi tiếng. 

Nhạc sĩ Thanh Phương kêu gọi các nhạc sĩ Việt Nam cần sáng tác dựa trên sự tự trọng của một người nhạc sĩ. Anh cũng cho rằng việc học hỏi lẫn nhau là cần thiết, nhưng cần phải sử dụng đúng những thứ của mình. Việc cấm đoán đạo nhạc cũng chỉ là biện pháp tức thời, nhưng không thể bền lâu được. Bên cạnh đó, người nghe nhạc Việt Nam cũng cần khó tính hơn, nghiêm khắc hơn với những sản phẩm âm nhạc vay mượn ý tưởng. Có như vậy nền âm nhạc Việt Nam trong sạch mới có thể phát triển được.