Sáng nay, bão số 2 giật cấp 8 đổ bộ đất liền Thái Bình- Nghệ An, mưa lớn từ miền Bắc đến miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong sáng nay, bão số 2-Sinlaku được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực đồng bằng từ Thái Bình đến Nghệ An đồng thời gây ra mưa to đến rất to trên diện rộng. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, bão số 2 với tên quốc tế Sinlaku vào đầu giờ sáng nay, 2/8, ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 120km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Trong sáng nay, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Trong sáng nay, 2/8, bão số 2 đổ bộ đất liền các tỉnh Thái Bình đến Nghệ An

 Đến 16 giờ ngày 2/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh có gió giật từ cấp 6-8.

Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thái Bình có khả năng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3,0-3,5m.

Hôm nay, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to (lượng mưa 50-150mm/24h, có nơi trên 150mm/24h).

Từ nay đến ngày 5/8, Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Trong ngày và đêm nay, ở Tây Nguyên và Nam bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) còn có mưa vừa, có nơi mưa to và giông với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Khu vực Hà Nội, từ nay đến ngày 5/8 có mưa, riêng ngày và đêm nay có mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h.

Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines tác động bão số 2

Trong khi đó, ngoài khơi Philippines hiện đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới mới, tác động đến cơn bão số 2- Sinlaku trong Biển Đông.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: “Theo số liệu chúng tôi thu thập được thì hiện nay ngoài cơn bão số 2 đang hướng về nước ta thì ở khu vực phía Đông của Philippines còn tồn tại thêm một áp thấp nhiệt đới nữa, chính sự tồn tại của áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2 gần Việt Nam. Áp thấp nhiệt đới phía ngoài Philippines sẽ ngăn cản không cho áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão ở gần Việt Nam".

Cũng theo ông Lâm, tháng 8 là thời gian bắt đầu có những cơn bão ảnh hưởng tới miền Bắc, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là cao điểm của mùa bão. Phải sang tháng 9 và tháng 10 mới là cao điểm của mùa bão trên Biển Đông.

“Chúng tôi dự báo từ nay tới cuối năm còn khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới nữa trên Biển Đông, do đó không loại trừ khả năng sẽ có nhiều cơn bão cùng hoạt động hoặc liên tiếp xuất hiện trên Biển Đông trong những tháng tới”, ông Lâm dự báo.

Đối với cơn bão số 2 hiện nay, ông Lâm cảnh báo khả năng cao sẽ xảy ra một đợt mưa rất lớn ở Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ cũng như khu vực Tây Nguyên. Vì thế cần đặc biệt lưu ý các hồ thủy lợi xuống cấp, đang nâng cấp, các thủy điện nhỏ có nguy cơ cao, các khu khai thác khoáng sản ở 3 vùng trọng tâm mưa cần rà soát và đánh giá hiện trạng các công trình, có phương án sẵn sàng ứng phó khi tình huống mưa rất to xảy ra.

Ngoài ra, người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực vùng núi miền Trung cần hết sức cảnh giác giông, lốc và gió giật mạnh ở rìa ngoài hoàn lưu bão, khi mưa lớn xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Người dân vùng đô thị ở các khu vực trên cần lưu ý tới hiện tượng ngập úng đô thị, ngoài ra ở vùng ven biển khu vực bão ảnh hưởng đề phòng sóng lớn và nước biển dâng, đặc biệt nếu bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều cao, cụ thể là vào buổi chiều các ngày đầu tháng 8.