Sản xuất sư tử đá kiểu Việt, tại sao không?

ANTĐ - Nếu có nhu cầu mua sư tử đá, chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google là cả triệu kết quả, hình ảnh hiện ra trước mắt, giao dịch trực tiếp cũng có mà đặt hàng qua mạng cũng rất tiện. 

Các thể loại quan niệm về tín ngưỡng, truyền thuyết, phong thủy (tất nhiên là không rõ nguồn gốc xuất xứ)… đều được dẫn giải, phân tích dưới mọi góc độ nhằm quảng bá cho sản phẩm sư tử đá của các làng đá mỹ nghệ. Ngoài phân tích những điều hơn lẽ thiệt kiểu “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”, các “chuyên gia” cũng kiêm thêm tư vấn về màu sắc, kích cỡ, nghề nghiệp… để người mua tham khảo. Hiện tại, ở phía Bắc, làng đá Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình là nơi cung cấp nguồn tượng sư tử đá chủ yếu.

Việc Bộ VH-TT&DL khuyến cáo di dời sư tử đá ra khỏi đình, chùa, cơ quan công quyền… điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm được cho là “truyền thống” của những làng đá này sẽ không còn thị trường. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật, đây lại là thời điểm thích hợp nhất để hướng các làng đá mỹ nghệ đến một sự thay đổi mới, tập trung sản xuất sư tử đá kiểu Việt Nam. Mới đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa ra những gợi ý về hình ảnh sư tử đá, nghê đá ở di tích Việt là việc làm kịp thời để so sánh và phân biệt, từ đó mở ra hướng sản xuất mới cho làng nghề.