Sản xuất công nghiệp nhiều địa phương “ngấm đòn” dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bức tranh sản xuất công nghiệp tháng 8-2021 không mấy sáng sủa khi hàng loạt địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.
Sản xuất công nghiệp sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Sản xuất công nghiệp sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điển hình là Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%;

An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6% và Hà Nội cũng giảm 6,4%.

Trong đó, IIP 8 tháng năm 2021 của một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Đồng Tháp giảm 10,9% do ngành dệt giảm 66,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 47,4%; sản xuất đồ uống giảm 29%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 11,8%.

Khánh Hòa giảm 7,9% do sản xuất mô tô, xe máy giảm 24,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 19,4%; sản xuất đồ uống giảm 16,7%; sản xuất trang phục giảm 2,3%. Bến Tre giảm 6,9% do ngành dệt giảm 19,6%; sản xuất sản chế biến thực phẩm giảm 12,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 12,5%; sản xuất trang phục giảm 10,3%.

Đáng chú ý, TP HCM giảm 6,6% do sản xuất trang phục giảm 18,5%; sản xuất đồ uống giảm 17%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 14,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 13,3%; sản xuất sản phẩm tử kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 12,7%.

Đại diện Tổng cục thống kê cho rằng: “Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg”.

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nên cũng tác động tiêu cực lên tình hình lao động,việc làm. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-88-2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước.

Thực tế, các hiệp hội doanh nghiệp liên tiếp phản ánh khó khăn về sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh như: khó tổ chức ăn ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ cho người lao động; khó xin giấy đi đường cho nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu; vận chuyển hàng hóa khó khăn...

Mới đây, một số hiệp hội như: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gỗ Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam... đã cùng ký tên bản kiến nghị Thủ tướng giải quyết vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho nhân viên làm việc tại doanh nghiệp.

Bản kiến nghị nêu: "Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như: gạo, gỗ, thủy sản, cao su... Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp Giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại lớn... Kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm 1/2 của cả nước, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, tốn chi phí lưu trữ hàng hóa, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, công nhân mất việc, doanh nghiệp mất uy tính với nhà nhập khẩu...".