Sàn thương mại điện tử “giải cứu” nông sản Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho tiêu thụ nhiều loại nông sản thì việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp tình thế, mang tính chất “giải cứu”. Nhưng về lâu dài, đây chính là việc hiện thực hóa chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mà dịch bệnh là “chất xúc tác” để quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Gian hàng nông sản tỉnh Hải Dương trên sàn TMĐT Vỏ Sò

Gian hàng nông sản tỉnh Hải Dương trên sàn TMĐT Vỏ Sò

Sàn TMĐT ưu tiên nông sản Việt

Ngày 4/3/2021, chuyến xe chở 60.000 quả trứng gà sạch Cẩm Đông (nông sản của tỉnh Hải Dương) đã về đến kho của sàn TMĐT Vỏ Sò (voso.vn) để sớm đến tay người tiêu dùng. Đây là những lô hàng đầu tiên trong chiến dịch dùng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh cần “giải cứu”.

Theo đó, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai tính năng “Mua chung giá rẻ” trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò để mở gian hàng, tổ chức thu gom và phân phối nông sản cho người dân Hải Dương lúc này đang ế ẩm, khó tiêu thụ do dịch Covid-19 lây lan rộng trong toàn tỉnh.

Tiếp đó, sàn TMĐT Vỏ Sò mở 6 gian hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương, cung cấp 5 loại nông sản gồm: trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải, su hào. Đây là những loại nông sản đã được Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương và Viettel Post thống nhất đưa lên bán trên sàn Vỏ Sò trong giai đoạn đầu.

Để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang đến vụ thu hoạch nhưng khó khăn về thị trường, Viettel Post hỗ trợ phí vận chuyển, áp dụng đồng giá 11.000 đồng cho đơn hàng trọng lượng tới 30kg từ Hải Dương đến một số địa phương (Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh) trong tháng 3/2021.

Chỉ sau hơn 2 ngày triển khai, sàn này đã hỗ trợ các hộ nông dân Hải Dương tiêu thụ được hơn 7 tấn rau củ, 80.000 trứng gà và hơn 850 con gà. Hiện nay, sàn TMĐT này vẫn giới thiệu nông sản tỉnh Hải Dương ở trang chủ, vị trí dễ nhìn để người mua dễ theo dõi, tiếp cận.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), vừa qua, Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình cũng kiến nghị liên quan đến việc bán các sản phẩm OCOP (mỗi làng một sản phẩm) trên sàn TMĐT.

Về việc này, Bộ TT-TT cho biết, Bộ đã giao cho VNPost thực hiện nhiệm vụ đưa sản phẩm lên sàn Postmart. Theo thống kê, hiện nay tỉnh Hòa Bình đã công nhận 27 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn OCOP trong đó có 9 sản phẩm 4* và 18 sản phẩm 3*. Tuy nhiên trên sàn PostMart.VN chưa có sản phẩm của Hòa Bình.

Do đó, trong năm 2021, VNPost sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình để hỗ trợ, hướng dẫn nhà cung cấp lên sàn. Tương tự đối với Quảng Ninh, VNPost sẽ có văn bản để tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh để tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu trong năm 2021.

Gần đây nhất, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM- Bộ Công Thương) cũng phối hợp với sàn TMĐT Sendo triển khai Gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại”, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực TMĐT cho các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thiết lập kênh tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng…

Trước mắt, gian hàng tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Đặc biệt, tới đây Cục XTTM sẽ phối kết hợp với Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tại một số địa phương xúc tiến sản phẩm theo các hình thức như: kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy TMĐT thông qua các sàn trong nước và quốc tế, huấn luyện và đào tạo trong chuỗi cung ứng về truy xuất nguồn gốc, xúc tiến bán hàng, TMĐT, xây dựng hình ảnh sản phẩm…

Xây dựng chiến lược tiêu thụ cho nông sản

Ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) cho biết, việc kết nối nông sản của các địa phương với các sàn TMĐT nhằm từng bước thiết lập chuỗi giá trị cho từng sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đây là hoạt động mang tính chiến lược và bền vững cho tất cả các mặt hàng tiềm năng trên phạm vi toàn quốc.

Theo các chuyên gia, giải pháp đưa nông sản- một nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam lên sàn TMĐT là giải pháp hữu hiệu để nông sản dần thoát cảnh “được mùa mất giá” hoặc phải “giải cứu”. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân.

Trước đó, tại hội thảo về Tiền điện tử (Mobile Money), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa người dân tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính “đổi đời” trên nền tảng Internet như: y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp.

Theo đó, Mobile Money giúp người dân thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao.

Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT vừa là một giải pháp tình thế lúc dịch bệnh, tránh tình trạng "giải cứu" tự phát, vừa hiện thực hóa chuyển đổi số này.

Tuy nhiên, các sàn TMĐT cho biết, để nông sản được “lên sàn”, sản phẩm nhất định phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, phải truy xuất được nguồn gốc, chất lượng đảm bảo và minh bạch về thông tin.