Bình Định:

Sẵn sàng ứng phó với bão số 8

ANTĐ - Từ ngày 26-10 đến sáng 27-10, Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh Bình Định đã kêu gọi 251 tàu cá đánh bắt xa bờ, với 2.187 ngư dân đã di chuyển vào bờ và ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh trú bão.
Do ảnh hưởng của bão số 8, sáng 27-10, khu vực tỉnh Bình Định có nơi mưa vừa, trời u ám, biển động do có gió cấp 5 – 6, giật cấp 7. Từ ngày 26-10 đến sáng 27-10, Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh Bình Định đã kêu gọi 251 tàu cá đánh bắt xa bờ, với 2.187 ngư dân đã di chuyển vào bờ và ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh trú bão. Đến trưa 27-10, hầu hết các thuyền nghề của ngư dân Bình Định đã nhận được tin bão số 8 và đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Để chủ động đối phó với bão số 8 và đề phòng mưa lũ, ngày 26-10, Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy PCBL và TKCN các sở, ban, ngành; Ban chỉ huy PCBL và TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm (vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là vùng biển từ vĩ tuyền 13 đến vĩ tuyến 20); Đặc biệt chú ý kêu gọi tàu thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa di chuyển ngay vào bờ gần nhất để đảm bảo an toàn.

Đến sáng 27-10, hàng trăm tàu cá của Bình Định về đậu tại
khu vực tránh trú bão Đầm Thị Nại, thuộc KV 10, phường Hải Cảng để tránh bão số 8

Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với Sở NN&PTNN, UBND các huyện, thành phố ven biển kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên biển; thường xuyên giữ vững liên lạc, xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra. Các địa phương rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, vùng trũng, thấp, lồng bè nuôi thuỷ sản để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người; Kiểm tra và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, đê điều, các công trình đang xây dựng dở dang; Kiểm tra, bổ sung dự phòng lương thực, thuốc chữa bệnh, thuốc xử lý nước sinh hoạt ở các vùng có thể bị chia cắt bởi lũ, bão.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCBL và TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, vận động nhân dân thu hoạch ngay lúa, hoa màu, các loại nông sản, thuỷ sản đã đến kỳ thu hoạch tránh tổn thất do bão và ngập úng. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNN Bình Định cho biết: hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 3.000 ha lúa chân cao gieo khô vụ 3 đang giai đoạn vàng, chín. Đối với diện tích lúa này thì ít có khả năng xảy ra ngã đổ hoặc bị ngập úng. Tuy vậy, Sở cũng yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo nông dân tranh thủ thu hoạch đối với diện tích lúa đã chín, nhằm hạn chế những thất thoát hư hại do mưa bão gây ra.
Trưa 27-10, ông Ngô Văn Qúy – Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, tuy có ảnh hưởng của bão số 8 nhưng không đáng kể, sáng nay tàu vận chuyển khách vẫn vào Quy Nhơn như thường lệ. Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao về tình hình cơn bão số 8 để có phương án phòng tránh. Chúng tôi cũng đã mua dự trữ 10 tấn gạo phòng bị cô lập mùa mưa bão. Trung tâm y tế thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men, cử tổ y tế ra xã đảo để phục vụ điều trị, khám và chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân trên đảo trong mùa mưa bão. Cho đến thời điểm này, tình hình trên đảo vẫn bình yên.