Phú Yên:

Sẵn sàng ứng phó với bão số 7

ANTĐ - Trước diễn biến phức tạp của bão số 7 có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu (Phú Yên), từ chiều 5-10, các địa phương đã chuẩn bị nhân, vật lực tại chỗ sẵn sàng ứng phó với cơn bão, giảm thiểu thiệt hại. 
Sẵn sàng ứng phó với bão số 7 ảnh 1
Gần 2.000 tàu cá neo đậu an toàn tại cửa biển Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Phú Yên kêu gọi tàu thuyền không ra khơi, tìm nơi tránh trú an toàn; người dân chủ động chằng, chống nhà cửa, sẵn sàng sơ tán, di dời; các ngành và địa phương phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ thủy điện hợp lý, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, kè, đập và các công trình xây dựng, đặc biệt là các khu dân cư ven biển, sông, suối…
Tại huyện Tuy An: Công tác ứng phó với bão số 7 đã được hoàn tất từ chiều 5-10. Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện đã về cơ sở, cùng với địa phương bố trí lực lượng, phương tiện và các nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng phòng, chống. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN huyện Tuy An cho biết, đã chỉ đạo các ngành và địa phương nắm bắt tình hình hoạt động của tàu thuyền trên biển để kịp thời thông tin; Chủ động túi thực phẩm di động như gạo, mì tôm tiếp tế tại chỗ; Vận động người dân chằng chống nhà cửa; Yêu cầu những hộ dân ở trên cao cho những hộ gia đình vùng triều cường, sạt lở tránh trú, đồng thời chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết tại các điểm di dời đã được bố trí từ trước; Lực lượng vũ trang huyện sẵn sàng điều động cán bộ, chiến sĩ và tập kết phương tiện cứu hộ tại các điểm xung yếu giúp dân khi có tình huống khẩn cấp; Các địa phương kiểm tra lại quân số lực lượng xung kích, phân công ứng trực từng địa bàn cụ thể, đảm bảo cơ số thuốc đầy đủ cho các trạm xá, đồng thời rà soát những đối tượng bệnh tật, phụ nữ mang thai và trẻ em để chủ động hỗ trợ khi người dân có nhu cầu; Bố trí đầy đủ lượng bao cát ngăn đắp tại các khu vực thường xảy ra triều cường, sạt lở đất và đảm bảo an toàn kỹ thuật các công trình xây dựng đang thi công…

Sẵn sàng ứng phó với bão số 7 ảnh 2

Cũng trong chiều 5-10, Ban chỉ huy quân sự và Công an huyện Tuy An cũng đã xác định một số vị trí triều cường xung yếu, định hướng cơ động và bố trí hàng chục cán bộ, chiến sĩ, phương tiện cứu hộ sẵn sàng di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Theo Công an huyện Tuy An, đơn vị này đã chuẩn bị 2 ca nô từ 25-60CV và 20 cán bộ chiến sĩ sẵn sàng ra quân, hạ thủy ứng cứu tại cầu Cây Cam và Ngân Sơn. 

Huyện Tuy An có hơn 1.800 tàu thuyền, đến chiều 5-10 hầu hết các tàu thuyền đã về neo đậu an toàn tại các cửa biển, cảng cá. Tuy ra vào khó khăn, song cửa biển Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông cũng đã tiếp nhận gần 2.000 tàu cá từ các xã An Chấn, Mỹ Quang, An Mỹ, An Hòa, An Hải, An Ninh Đông (Tuy An) và một số xã lân cận.

Đại úy Trần Ngọc Điệp, Phó Đồn Biên phòng An Hải cho biết, đến chiều 5-10 còn 56 tàu thuyền (289 lao động) đánh bắt xa bờ đang hoạt động trên biển, trong đó có 2 tàu câu cá ngừ đại dương (18 lao động) đang đánh bắt ở đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa; 54 tàu cá giã cào (271 lao động) đang tìm cách neo đậu tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, trong đó chủ động liên lạc được 20 tàu, còn lại là trực tiếp liên lạc với gia đình để thông tin về diễn biến của cơn bão.

Đồn Biên phòng An Hải cũng đã phân công 15 chiến sĩ, 1 tàu cứu hộ 90CV cắm chốt tại 6 xã ven biển để đảm bảo an ninh và xử lý tình huống, đồng thời đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời hỗ trợ nhân lực, phương tiện khi có tình huống xấu xảy ra.

Chiều 5-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN các xã, thị trấn của huyện Tuy An cũng đã tổ chức họp khẩn, triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 7. Tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, địa bàn thường bị triều cường uy hiếp, mọi công tác phòng, chống cũng đã được hoàn tất. Ông Huỳnh Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, địa phương có 3km bờ biển, đã bố trí 2.000 bao cát khống chế triều cường uy hiếp khoảng 600m bờ biển, bảo vệ hơn 1.500 hộ dân ở các thôn Phú Thường, Nhân Hội và Hội Sơn; chuẩn bị 1.500 gói mì tôm, 80 áo phao và phao tròn hỗ trợ dân… Đối với vùng ngập lụt như các thôn Diên Hội, Tân An, Tân Hòa, cũng đã vận cộng các hộ dân sinh sống trên cao, giúp những hộ vùng trũng thấp di dời người và tài sản khi gặp nguy hiểm. Theo UBND xã An Cư, địa phương này cũng đã bố trí lực lượng xung kích và đưa 1 xuồng máy, 7 xuồng con về các địa bàn xung yếu, đồng bố trí đò ngang tại cầu Long Phú và một số cầu, tràn thường xảy ra ngập lụt để hỗ trợ di dời dân.
Tại thị xã Sông Cầu: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN thị xã cũng đã chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân nhanh chóng chằng chống nhà cửa, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn; Chuẩn bị đầy đủ các vật tư, nhu yếu phẩm; Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời.
Sẵn sàng ứng phó với bão số 7 ảnh 3
Chiến sĩ Hải đội 2 túc trực trên ca nô
 tại cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa sẵn sàng nhận lệnh



Ông Nguyễn Thái Hải Anh, thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN thị xã Sông Cầu, cho biết: “Hiện còn hơn 200ha ao, đìa với khoảng 16.000 lồng nuôi hải sản các loại, địa phương đã thông báo cho ngư dân chủ động phòng chống, không ở lại các lồng bè khi có bão. Đồng thời tập trung nhân lực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những vùng xung yếu có nguy cơ bị triều cường uy hiếp tại thôn 2 (xã Xuân Hải), Hòa An (xã Xuân Hòa), Từ Nham, Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh), Dân Phú 2 (xã Xuân Phương) và các khu phố Bình Thạnh, An Thạnh (phường Xuân Đài); Lập phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn”.
Tại huyện Đồng Xuân: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN huyện đưa ra phương án, từng cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 và thông tin cho dân biết diễn biến cơn bão số 7; Trực tiếp hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuồng trại; chủ động di dời dân vùng trũng thấp thôn Tân Long, Tân Hòa (xã Xuân Sơn Nam); xóm Giữa (thị trấn La Hai) đến nơi an toàn. Các cầu tràn, nước thường dâng cao, chảy xiết như suối Tía, Suối Trầu (xã Xuân Phước), cầu Cây Sung (xã Xuân Sơn Bắc) phải bố trí lực lượng xung kích túc trực, không cho người và phương tiện qua lại. Cầu sông Trà Bương (xã Xuân Quang 3) đang thi công dang dở, đơn vị thi công phải san bằng hai mố cầu để nhân dân đi lại; chằng chống kho tàng, di chuyển phương tiện, thiết bị đang thi công đến nơi an toàn, nhất là các công trình ven sông, suối.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, đến chiều ngày 5-10 toàn tỉnh còn 225 tàu cá (1.567 lao động) đang hoạt động trên biển. Trong đó 99 tàu (934 lao động) đang hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa (từ 70-90N đến 1170E), 156 tàu thuyền (633 lao động) đang hoạt động gần bờ từ Phú Yên đến Bình Thuận. Tất cả các phương tiện đều liên lạc được với đất liền. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì kíp trực, sẵn sàng điều động khoảng 200 cán bộ chiến sĩ với 5 ô tô, 6 tàu, 10 ca nô… phối hợp cùng các địa phương kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Trung tá Phạm Ngọc Dân, Hải đội trưởng Hải đội 2, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết: “Chiều 5-10, đã đưa hai tàu cứu hộ có công suất từ 180-345 CV đến Vũng Rô (huyện Đông Hòa) và thị xã Sông Cầu, đồng thời hạ thủy 5 ca nô có công suất từ 75-490 CV ở tại cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động”.