Sẵn sàng nhận tàu cá ngư dân trả lại

ANTĐ - Sự việc ngư dân Quảng Ngãi trả lại tàu cá vỏ thép do liên tiếp hư hỏng đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn vì chính sách hỗ trợ, ưu đãi đóng tàu vỏ thép, vươn khơi bám biển dường như chưa phát huy hiệu quả. Lý giải về điều này, Bộ NN&PTNT cho rằng, do chất lượng tàu kém, còn doanh nghiệp cung cấp tàu thì cho rằng, lỗi thuộc về ngư dân. 

Sẵn sàng nhận tàu cá ngư dân trả lại ảnh 1Tàu cá hơn chục tỷ đồng vừa đưa vào khai thác đã hỏng hóc

“Trả tàu là do ngư dân”?

Hơn 6 tháng qua, tàu Sang Fish 01 của ngư dân Lê Văn Sang (Quảng Ngãi) đã phải nằm bờ sau chỉ vài tháng đưa vào sử dụng. Mới đây, ông Sang đã quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MVT đóng tàu Nha Trang (Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC). Tàu Sang Fish 01 là tàu cá vỏ thép thứ hai trên cả nước được hạ thủy vào tháng 7-2014 với công suất lên tới 750CV, từng được kỳ vọng sẽ vươn khơi bám biển sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, con tàu liên tục gặp sự cố. Trước đó, ngư dân Mai Văn Anh (Quảng Ngãi) cũng đã quyết định trả lại tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 cho Công ty đóng tàu Nha Trang vì 5 lần ra khơi thì 3 lần hỏng hóc. Trung bình 1 tàu có giá từ 7-11 tỷ đồng, được Công ty đóng tàu Nha Trang cho ngư dân mua trả góp trong thời hạn 5-7 năm, mức lãi suất 3%/năm.  

Chiều 30-3, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC thừa nhận, Sang Fish 01 là một trong 10 mẫu tàu đầu tiên của Công ty đóng tàu Nha Trang sản xuất trước khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân vay vốn, vươn khơi bám biển của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ có tàu Sang Fish 01  gặp sự cố còn các tàu khác vẫn hoạt động bình thường.

Đề cập đến nguyên nhân ngư dân Lê Văn Sang trả lại tàu cho Công ty đóng tàu Nha Trang, ông Nguyễn Ngọc Sự cho rằng, tàu thường xuyên hỏng hóc là do ngư dân vẫn quen với việc vận hành tàu vỏ gỗ. Thiết kế của công ty là sử dụng máy mới, nhưng ngư dân lại yêu cầu đưa máy cũ vào lắp ráp nên trong quá trình vận hành mới xảy ra hỏng hóc. Đặc biệt, có tình trạng ngư dân muốn trả lại tàu cho Công ty để đóng tàu mới vay vốn theo Nghị định 67 với mức ưu đãi lớn hơn rất nhiều. Thêm một lý do nữa khiến ngư dân trả lại tàu là do đến kỳ hạn trả góp vốn, ngư dân không muốn trả hoặc không có tiền để trả.

Tàu xuống cấp rất nhanh

Cũng liên quan tới sự việc, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục đã cử đoàn kiểm tra vào các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi - nơi các ngư dân trả lại tàu để làm rõ vấn đề. “Các tàu vỏ sắt này sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đã xuống cấp rất nhanh. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng các con tàu. Đáng nói, toàn bộ số tàu cá mà ngư dân trả lại đều không thuộc chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Trung khẳng định.

Theo lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản, trước khi có Nghị định 67, SBIC đã đóng 10 tàu cá vỏ thép để bán hoặc cho thuê. Khi Nghị định 67 ra đời (10-2014), SBIC đã nhiều lần gửi công văn sang Tổng cục Thủy sản đề nghị được đưa 10 tàu này vào diện được hưởng chính sách tại Nghị định 67, tuy nhiên không được chấp thuận do mục đích và điều kiện không phù hợp. Sau đó, SBIC đã bán trả góp cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… 

Thừa nhận thông tin trên là đúng, ông Nguyễn Ngọc Sự nói: “Mục đích của SBIC là muốn ngư dân được hỗ trợ tối đa, được vay vốn ưu đãi để mua các con tàu vỏ thép này nhưng không được. Nếu được đưa vào thì đã không có chuyện trả lại tàu như vừa rồi”. 

Trả lời về việc xử lý như thế nào khi ngư dân trả lại tàu, lãnh đạo SBIC cho biết, do tại thời điểm ký hợp đồng, Công ty đóng tàu Nha Trang không đưa ra điều khoản quy định chặt chẽ nên Công ty sẽ nhận lại các con tàu bị trả về.

Ông Nguyễn Ngọc Sự thông tin: “Công ty sẵn sàng nhận lại các con tàu mà ngư dân trả lại và bán cho đối tác khác. Thậm chí, nếu 10 ngư dân đã mua tàu cùng trả lại thì chúng tôi cũng nhận vì đã có đối tác hỏi mua”.  

Tổng cục Thủy sản cho biết, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan liên quan đã phê duyệt 1.062 tàu cá được đóng theo Nghị định 67, trong đó có ½ số tàu gỗ công suất lớn, phần còn lại là tàu cá vỏ thép.

Trong số 1.062 tàu được duyệt, có tới 100 tàu có công suất lớn (trên 1.000 CV). Ngân hàng đã giải ngân để đóng 400 tàu, có 132 tàu đã đi vào hoạt động, số còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Đến tháng 8 năm nay, sẽ có thêm nhiều tàu cá vỏ thép được hạ thủy.