Săn lùng sâm quý tiến vua

ANTĐ - Trên đỉnh núi Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có một loại thảo dược quý, được xem là vật tiến vua trong các triều đại phong kiến xa xưa. Đó là sâm nam - loại sâm mà nhân dân trong vùng thường dùng trong các bài thuốc dân gian và chữa được nhiều bệnh. Mặc dù qúy là thế, nhưng có thời kỳ “thần dược” này chỉ còn trong những câu chuyện kể được người dân truyền tụng lại. Như một điều kỳ diệu, mới đây người ta lại phát hiện ra mầm mống của chúng vẫn đang sinh sôi trên mảnh đất này và cố gắng tìm cách nhân giống để bảo tồn.

Cụ Thân Văn Thành đang chăm chút cho những cây sâm nam

Từ giai thoại

Lần theo những tư liệu lịch sử, chúng tôi lên kế hoạch cho một cuộc truy tìm sâm nam, dù biết là cơ hội rất mong manh bởi theo người dân trong vùng núi Dành, nhiều lúc cần đến người ta không bói đâu ra một củ sâm như vậy. Được sự chỉ dẫn của người dân sở tại, chúng tôi đến núi Dành. Sau nửa ngày cuốc bộ dưới cái nắng gắt mùa hè, băng qua những vạt thông, đồi keo, bạch đàn xanh mướt với hy vọng kiếm được “thần dược”, đã có lúc chúng tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc bởi hỏi khá nhiều người dân về sâm nam mà chỉ nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Quả như vậy, sâm nam với người dân nơi đây là thứ đã không còn tồn tại, họ nghĩ rằng nó đã bị tuyệt diệt tới cả trăm năm nay. May sao đúng lúc ai cũng nản chí thì một tia hy vọng xuất hiện, thông tin trong vùng có gia đình vẫn giữ được giống sâm này đã đến với chúng tôi.

Bây giờ ở Liên Chung ít người được trực tiếp nhìn thấy sâm nam, ngoài vài cụ cao tuổi trong làng vẫn nhớ về kể những câu chuyện cổ xung quanh loại sâm kỳ diệu ấy. Trong số đó có ông Nguyễn Văn Được, 72 tuổi ở thôn Hậu, nhà ngay dưới chân núi Dành. Ông Được cho hay: Sâm nam còn có tên gọi khác là Cát sâm hay sâm Bảo Sơn. Tương truyền rằng có thời kỳ mẹ vua Tự Đức bị loà mắt, nhiều thuốc thang chữa trị mà vẫn không khỏi, năm đó may nhờ có sâm  núi Dành do quan lại trong vùng cống tiến mà mắt bà sáng lại, từ ấy sâm nam núi Dành trở thành sản vật quý tiến vua hàng năm.

Trong sách: “Đại Nam nhất thống chí”, có ghi: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở Chung Sơn”. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành, nay phần lớn thuộc xã Liên Chung và phần còn lại thuộc địa phận xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Ông Được vẫn giữ được giống sâm và thường dùng để giúp đỡ người dân quanh vùng chữa bệnh. Ông cho hay: “Núi Dành xưa kia toàn cây de với giàng giàng, mỗi lần Lý trưởng kiếm được củ sâm thì mừng lắm, hiện ở góc vườn nhà tôi còn một khóm sâm, mỗi năm nó chỉ ra một đốt từ đó mọc rễ và ra củ nên củ không lớn, tôi cũng đã từng nhân thử giống sâm núi Dành nhưng không thành công, và cũng đã nhiều lần thử du nhập những giống sâm khác về trồng nhưng không sống được có lẽ do thời tiết và thổ nhưỡng không hợp”. Rồi ông Được niềm nở bê nguyên cả bình rượu ngâm sâm nam ra mời khách. Trong bình, sâm nam  được thái lát mỏng, theo ông Được, bình sâm này được truyền từ đời cụ nội ông tính ra đã hơn 100 năm.

Đến hiện thực 

Sâm nam núi Dành

Xưa nay nói về sâm người ta chỉ biết đến sâm của xứ sở Kim Chi chứ chẳng mấy ai biết tại Bắc Giang cũng có loại kỳ dược này. Ông Nguyên Khắc Lư, 62 tuổi, ở thôn Hậu, xã Liên Chung tâm sự, gần hai chục năm trước ông nhận đất trồng rừng ở chân núi Dành. Trong một lần cuốc đất thấy bật lên những củ nhỏ, mùi thơm, nếm thử thấy ngọt mát, vốn gia đình có nghề làm thuốc Đông y nên ông Lư biết mình gặp may khi tìm thấy gốc sâm nam và ông giữ gìn từ đó cho tới bây giờ.

Theo ông Lư, loại sâm này phải trên 10 năm tuổi dùng mới hữu dụng. Những căn bệnh thông thường như ho cảm sốt, đau đầu, nhất là đối với trẻ nhỏ dùng chút ít là khỏi. Từ gốc sâm ban đầu, ông Lư đã nhân ra và hướng dẫn một số hộ dân khác trồng để giữ giống. Ở Liên Chung còn một người nữa giữ được giống sâm nam, đó là cụ Thân Văn Thành 88 tuổi, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập. Cụ Thành dẫn tôi ra vườn chỉ cho xem một dây sâm leo trên cây chè vẫn xanh tốt. Cụ kể: “ngày xưa do nhà nghèo và mỗi khi có ai trong nhà bị cảm cúm tôi lại cầu cứu mẹ vợ, mỗi lần như vậy bà lại lên núi Dành tìm và đào củ sâm về chữa trị. Nghe các cụ nói có loại sâm năm và loại sâm ba. Sâm năm là loại có 5 lá, sâm ba là loại chỉ có 3 lá và sâm năm tốt hơn sâm ba”. Sau này cụ Thành trồng gốc sâm nam ở góc vườn nhà mình. 

Theo quan sát của chúng tôi, củ sâm nam có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, và hơi ngọt... Tuy nhiên sâm nam tốt và bổ đến đâu thì chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào. Chỉ biết rằng, từ xa xưa người dân đã dùng để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Hiện tại, làng Hậu có vài chục gốc sâm được các gia đình trồng trong vườn. Nhưng điều mà người dân ở đây mong muốn là ngành chức năng có những nghiên cứu, đánh giá để khẳng định giá trị của loại sâm núi Dành, đồng thời tìm cách nhân giống và phát triển loại thảo dược quý này.

Kỳ vọng thương hiệu Việt

Hiện ở Việt Nam, người ta mới chỉ biết tiếng sâm Ngọc Linh, loài sâm mọc ở Kon Tum, Quảng Nam. Theo kết quả nghiên cứu, phần thân và rễ của sâm Ngọc Linh chứa tới 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin. Với giá trị chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe cao nên sâm Ngọc Linh hiện được bán trên thị trường với giá cao và đắt hơn sâm Triều Tiên, thậm chí có nhiều người Nhật Bản, Hàn Quốc đã tìm đến Việt Nam mua sâm Ngọc Linh chữa bệnh. 

Để bảo vệ loại dược liệu quý này, Chính phủ Việt Nam đã xếp sâm Ngọc Linh vào diện cây cấm khai thác, mua bán bất hợp pháp, đồng thời có dự án nhân giống, trồng bảo tồn. Tuy nhiên hiện nay, việc trồng chưa đúng kỹ thuật nên cây còi cọc, ra hoa đậu quả không đáng kể nên chưa sản xuất được giống. Chính vì vậy, việc phát hiện thêm một loài sâm quý - sâm nam núi Dành ở Bắc Giang có thể coi là một tin vui cho ngành công nghiệp dược phẩm. Nếu có thể chứng minh giá trị của sâm nam và nhân giống, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến việc tạo nên thương hiệu “sâm Việt Nam” xếp ngang với “sâm Triều Tiên”, “sâm Nhật Bản”, “sâm Trung Quốc” hay “sâm Mỹ” đang có mặt trên thị trường quốc tế.