Sân khấu Thủ đô đổi mới để kéo khán giả

ANTĐ - Nói đến sân khấu Hà Nội hiện nay, nhiều nghệ sĩ lắc đầu ngán ngẩm, dù hàng năm, các nhà hát vẫn chi những khoản lớn để dàn dựng một số vở diễn… Vấn đề đi tìm khán giả cho sân khấu Hà Nội một lần nữa lại được đưa ra bàn thảo vào sáng 26-10.

Một vở diễn về đề tài truyền thống

Khán giả cần… đối thoại

Có nhiều lý do giải thích cho việc sân khấu Hà Nội không còn tạo ra sức hấp dẫn với khán giả. Nhiều người đổ lỗi do chậm đổi mới, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Nhưng công bằng mà nói, kết luận vậy có phần oan cho các nghệ sỹ và các nhà quản lý. Bởi nếu so sánh sân khấu hiện nay với cách đây một vài năm, đã thấy sự thay đổi rõ rệt. Về hình thức, rõ ràng các nhà hát đều được trang bị các phương tiện kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng hiện đại, phục trang, cảnh trí đẹp rực rỡ hơn xưa rất nhiều. Nhưng sự thay đổi đó vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với khán giả, vẫn chưa đủ sức lôi kéo những con người sành ăn, sành mặc và sành thưởng thức văn hóa đến với rạp hát. Cũng có nhiều người cho rằng việc chậm đổi mới về nội dung tác phẩm chính là lý do khiến khán giả thờ ơ và lãnh đạm dần với sân khấu Thủ đô.

Đa số các vở diễn từng đoạt giải tại các kỳ liên hoan sân khấu thường có đề tài lịch sử, đề tài danh nhân, đề tài cách mạng…Cho dù đã đạt được kha khá huy chương ở các kỳ hội diễn, nhưng khi ra rạp, ế vẫn hoàn ế. Theo nhà biên kịch Văn Sử, công chúng đến với các nhà hát để xem và mong muốn tìm thấy những câu trả lời cho những vấn đề họ quan tâm, trăn trở và bức xúc. Nhưng những gì mà họ được xem chỉ là những thứ giàu tính minh hoạ, truyền thống mà nghèo tính đương đại, ít gây ấn tượng.

Cứ nhìn vào thực tế để kiểm chứng sẽ thấy ngay những tiểu phẩm hài kịch “Đời cười” của Nhà hát Tuổi trẻ đã thu hút được lượng khán giả tới xem đông đảo không chỉ bởi họ được cười một cách thoải mái. Mà đơn giản, khán giả tìm thấy hình bóng của mình ngay tại vở diễn. Họ được thỏa mãn về mặt thị hiếu thẩm mỹ và thỏa mãn cả về chất lượng nghệ thuật.


Nghệ sỹ làm việc như công chức

Khi sân khấu không được khán giả đón nhận nhiệt tình thì đời sống của anh em nghệ sỹ cũng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và ai cũng hiểu rằng nguồn tiền mua vé vào xem của khán giả là nguồn thu chủ yếu mang lại cho những người làm nghệ thuật đời sống đầy đủ. Thế nhưng, thực trạng ở Hà Nội hiện nay đang tồn tại một nghịch lý: sân khấu thì khao khát mong đợi khán giả, còn khán giả thì dửng dưng chỉ đến với sân khấu khi họ được xem miễn phí. Điều này hoàn toàn trái ngược với thực trạng tại TP.HCM khi mỗi nhà hát đã tạo dựng được mối quan hệ khăng khít giữa khán giả và sân khấu. Đoàn hát và nghệ sỹ chỉ lo tập trung dàn dựng vở diễn và biểu diễn sao cho thỏa mãn được nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Có lẽ cũng vì điều này mà bức tranh sân khấu tại 2 thành phố lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TP.HCM luôn là 2 mảng đối nghịch.

Thiếu đi sự động viên, cổ vũ của công chúng, người nghệ sỹ như mất đi sự hưng phấn làm việc và có tâm lý chẳng cần rèn giũa tài năng mà chỉ cần lo làm tròn bổn phận của một công chức hưởng lương bình thường. Và cũng có không ít nghệ sỹ cảm thấy tài năng không được khán giả biết đến liền tính chuyện giải nghệ, chạy sang hoạt động ở các lĩnh vực khác. Trong khi đó, sân khấu đang thiếu đi những nhân tố mới để làm tươi trẻ những vở diễn thì sự ra đi của họ là một sự mất mát, thiệt thòi cho sân khấu Thủ đô. Vì thế, việc giữ nhân tài ở lại hoạt động một cách tâm huyết với nghề đang trở thành vấn đề lớn của sân khấu Thủ đô. Và cũng là một lý do giải thích cho sự trì trệ của sân khấu Hà Nội hôm nay.

Đâu rồi “bà đỡ” mát tay?

Còn một lý do nữa khiến cho sân khấu Thủ đô ngày càng xa rời khán giả. Đó chính là người bạn đồng hành của các diễn viên, nghệ sỹ-các nhà lý luận phê bình sân khấu hoạt động thường xuyên lại hiếm như.. “sao buổi sớm”. Những bài viết sắc sảo và khách quan nhặt ra những “hạt sạn” và khuyến khích, động viên cái mới trên sân khấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà, một năm, các nhà hát theo chỉ tiêu dựng vở vẫn sòn sòn cho ra đời những vở diễn mới. “Đứa con” ra đời ấy không được các “bà đỡ” mát tay đón nhận và không được “rèn giũa” qua các bài phê bình sân khấu thì làm sao đạo diễn, nhà hát và anh em nghệ sỹ có thể nhận ra được cái hay, cái dở mà chính mình đã tạo ra. Và như một cái vòng luẩn quẩn, “đứa này” nối tiếp “đứa khác” ra đời mà không mảy may được khán giả để ý tới. Người viết phê bình có thể ví như người cầm chiếc roi quất cho “con ngưạ” sân khấu Thủ đô sải những bước dũng mãnh. Nhưng thật tiếc, khi đội ngũ này đang ngày một già mỏng đi và rất cần sự tiếp nối của các cây bút trẻ với cái nhìn hiện đại kiến thức uyên thâm về sân khấu.

Lý do thì có nhiều song có thể thấy rằng, mối quan hệ khăng khít giữa khán giả và sân khấu cần được thiết lập lại khẩn cấp để vực lại sân khấu Hà Nội. Ai cũng biết chuyện này là khẩn cấp. Nhưng làm thế nào để cứu vãn, thì lại vẫn phải chờ…