Sân khấu kịch thiếu nhi ngày 1-6: Đó sẽ là món lẩu?

ANTĐ - Dù khác nhau về nội dung, về hình thức tổ chức nhưng một điều dễ nhận ra là các tiết mục biểu diễn dành cho thiếu nhi dịp 1-6 luôn được thực hiện theo lối: thêm một tí ca nhạc, một tí kịch, một tí vũ đạo... Tưởng thế là đủ, nhưng với các em nhỏ, đâu chỉ có thế…

Sân khấu kịch thiếu nhi ngày 1-6: Đó sẽ là món lẩu? ảnh 1Lối dàn dựng công thức đã ăn mòn tư duy sáng tạo (Vở Dế mèn phiêu lưu ký của Nhà hát Tuổi trẻ)

Dễ như dựng kịch thiếu nhi

Không chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ có chức năng biểu diễn phục vụ thanh thiếu niên, hiện giờ, các nhà hát vốn chỉ quen với nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam, các đoàn nghệ thuật xã hội hóa như đoàn múa Khám phá, công ty nghệ thuật… cũng bắt nhịp và kịp tung ra sản phẩm dành cho các em thiếu nhi vào dịp 1-6.

Điều đó đủ thấy, nhu cầu thưởng thức văn hóa của các em nhỏ là vô cùng lớn và các nhà hát đã biết nắm bắt lấy dịp may hiếm có trong năm để bù lại nguồn doanh thu đang chịu nhiều sức ép của thời kinh tế thị trường. Thế nhưng, chất lượng của các vở diễn đến đâu có đủ để trở thành món ăn tinh thần, phục vụ những mầm non tương lai của đất nước hay không thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Đó sẽ là món lẩu? Nói là món lẩu thập cẩm là bởi, các vở diễn được xây dựng theo một công thức đã định sẵn như ca múa nhạc, kịch, rối… cùng màn giao lưu, kêu gọi các em nhỏ tham gia vào câu chuyện trên sân khấu. Chính vì sự nhập nhằng giữa các loại hình, không biết loại hình nào là chính trong vở diễn khiến cho tuyến kịch không mạch lạc, nội dung câu chuyện không được diễn tả một cách rõ ràng. Vì vậy, thông điệp của vở diễn cũng không dễ để đến với các em thiếu nhi. Nói như vậy, sẽ nhiều đạo diễn biện minh rằng, dựng vở cho thiếu nhi mà không có nhạc, không có nhảy múa thì không có em nhỏ nào chịu ngồi yên trong suốt 1 tiếng đồng hồ.

Nhưng nghệ sỹ Bùi Như Lai, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, người có nhiều năm gắn bó với sân khấu thiếu nhi lại cho rằng ông đã từng diễn các tác phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi, không hề có nhảy, không hề có nhạc, chỉ có sự kịch tính, thế mà các em đã ngồi chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối. 

Quy trình ngược

Sân khấu thiếu nhi bấy lâu nay luôn được xây dựng dựa trên các câu chuyện cổ tích. Nhưng phần lớn được viết lại, rút gọn hơn. Viết lại không xấu nhưng viết như thế nào để vở diễn trở thành một tác phẩm mạch lạc, đi đúng định hướng, mang đến các em tác phẩm nhân văn lại là chuyện khác. Rõ ràng, có nhiều vở diễn đã từng ra mắt, yếu ngay từ khâu kịch bản. Sự rườm rà trong cách thể hiện và ngôn ngữ kém nổi bật làm người xem khó đón nhận ý tưởng của ê kíp thực hiện. 

Luôn có những lý do đưa ra rất thích hợp và rất sát với thực tế biểu diễn của các nhà hát cho lối dàn dựng chộp giật, cẩu thả dành cho thiếu nhi, nhà viết kịch Chu Thơm cảnh báo: “Hãy cẩn thẩn với những cái đầu còn non nớt, tất cả những điều các em được thẩm thấu từ gia đình, nhà trường, từ các tác phẩm nghệ thuật sẽ được bộc lộ trong nay mai. Những siêu nhân, những anh hùng trong cuộc chiến chống lại Ngưu Ma Vương hay gì gì nữa, biết đâu trong tương lai sẽ lại phản tác dụng vì những câu chuyện nửa vời mà người lớn mang đến cho các em”. Dựng vở cho thiếu nhi đúng ra cần được trau chuốt và dành nhiều sự trân trọng hơn thì các nhà hát lại đang làm ngược lại. Một quy trình ngược đáng báo động và nguy hiểm. 

Nhu cầu thì cao nhưng số lượng chương trình phục vụ các em thiếu nhi lại chưa đáp ứng nên các bậc phụ huynh và các em nhỏ gần như không có sự lựa chọn. Dù kịch hay hoặc dở thì vé đã bán hết. Các đơn vị nghệ thuật đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Còn các em nhỏ, sau ngày 1-6 có hy vọng, có háo hức để lại được xem kịch nữa hay không? Xem ra câu trả lời này rất khó. Cứ ăn mãi một món lẩu thì cũng phải chán và cũng đừng nên trách trẻ sao cứ mải mê iPad với chơi game.