Sân khấu khó đông vui ngày đầu xuân, năm mới

ANTD.VN - Tết là thời điểm thuận lợi để kéo khán giả đến với rạp hát, nhưng sân khấu hai miền Nam Bắc nhiều năm nay lâm vào tình trạng không dám đầu tư mạnh tay hoặc thậm chí “đóng cửa” vì không có khách…

Lâu nay, nỗi lo về nguồn kịch bản cho dàn dựng vở vào dịp Tết đã không còn là mối bận tâm của các đạo diễn. Bởi Tết là phải vui nên kịch bản chỉ xoay quanh tiếng cười. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay chính là  tình trạng các diễn viên bỏ sàn diễn để chạy sô đóng phim.

Sân khấu khó đông vui ngày đầu xuân, năm mới ảnh 1Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn vở “Kiều” đến hết năm và sau đó sẽ nghỉ Tết

Diễn viên chạy “sô”

Bị động là trạng thái của hầu hết các nhà hát trong Nam ngoài Bắc nếu có ý định dựng vở cho sân khấu ngày Tết. Bởi thời điểm này, lực lượng diễn viên của hai miền đều đang tất bật cho việc ghi hình các chương trình truyền hình Tết, các bộ phim hài, dự án điện ảnh … Vì thế, để an toàn, những người đứng đầu đơn vị thường không dám đầu tư mạnh tay cho sân khấu Tết. Có chăng, chỉ là những vở diễn ở tầm trung, vui, hài hước. Thậm chí, ở một số đơn vị sân khấu miền Nam, dù những ngày Tết đã cận kề nhưng các vở diễn mới ra mắt vẫn chưa thấy đâu. Còn sân khấu miền Bắc, các nhà hát sẽ đóng cửa xuyên Tết và sẽ nhộn nhịp trở lại từ khoảng mùng 6 Tết với các hợp đồng doanh thu cùng với mùa lễ hội bắt đầu diễn ra. 

Sự cầm chừng của các đơn vị xã hội hóa miền Nam và sự vắng lặng của sân khấu miền Bắc vào dịp Tết có thể hiểu rằng, sân khấu đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, lượng khán giả của các sân khấu kịch tại TP.HCM đã giảm 40-60% vào ngày thường và sẽ còn giảm vào thời điểm Tết đến xuân về. Và khi cầu giảm thì ắt dẫn tới cung sẽ giảm. Điều này lý giải cho hiện tượng sân khấu gần như ít xuất hiện cái mới vào khoảng thời gian đặc biệt này. Nguyên nhân của tình trạng này theo Giám đốc Sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn là do diễn viên chạy sô quá nhiều. Thù lao gameshow, đóng phim mùa Tết hấp dẫn hơn nên họ bỏ sàn kịch. Nếu trước đây, nỗi lo của kịch Tết là thiếu kịch bản hay thì nay có thêm tình trạng không tập hợp đủ dàn diễn viên cho tiến độ tập kịch. 

Không chờ vào người nổi tiếng

Đồng quan điểm này với Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn, đạo diễn Đức Thịnh cho biết thêm: “Sân khấu nghèo nàn về nội dung đã đáng lo ngại nay lại thêm  tình trạng chạy sô của diễn viên thì thật khó cứu vãn. Từ lâu, tôi đã không còn dựng kịch cho sân khấu cũng vì thấy tâm huyết đối với nghề của các  diễn viên trẻ đã giảm sút nghiêm trọng”. Với một tác phẩm sân khấu, việc góp mặt của các diễn viên tên tuổi sẽ góp phần đưa hình ảnh của vở diễn đến với khán giả và nhiều khi người xem kéo đến rạp cũng chỉ vì được xem thần tượng của mình. Nhưng, việc bỏ sàn diễn của các nghệ sỹ đặc biệt là các nghệ sỹ tên tuổi đã đẩy đạo diễn vào thế tiến thoái lưỡng nan và đưa chất lượng vở diễn đi xuống. Do vậy, sân khấu đã khó khăn lại càng khó khăn chồng chất với sự ra đời của các vở diễn ít chất lượng, được dàn dựng hời hợt và thiếu “lửa” của các diễn viên.  

Đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng: “Nếu chỉ dựa vào gương mặt của các nghệ sỹ tên tuổi để kéo khán giả đến rạp là hoàn toàn ngộ nhận. Bởi vở diễn hay là kết quả của một công trình tập thể. Sân khấu miền Bắc đã từng chứng kiến các vở diễn thất bại chỉ vì dựa vào tên tuổi của ngôi sao”. Thay vào đó, đạo diễn Triệu Trung Kiên “hiến kế”, để phá băng cho sân khấu không thể là một số biện pháp đơn lẻ mà còn là chính sách tổng thể. Trong đó, sân khấu cần nguồn đầu tư lớn, có thể từ nguồn xã hội hóa nhưng ắt không thể nhỏ. Sau đó mới đến nội dung đáp ứng nhu cầu của khán giả và cuối cùng là tận dụng tên tuổi của các diễn viên nổi tiếng. 

Sân khấu ngày Tết sẽ vui hơn nếu các rạp hát nhộn nhịp khán giả và mỗi tấm vé được người xem mua sẽ là lộc đầu năm đối với mỗi nghệ sỹ để họ có thêm động lực gắn bó với nghề. Tuy vậy, năm 2017, điều này thật khó thành sự thật khi mà cả trong Nam ngoài Bắc đều cầm chừng việc đầu tư cho dàn dựng vở ngày Tết.