Sân chơi của những người Hà Nội tử tế

ANTD.VN - Sáng nay chủ nhật, 12-5, quanh phố đi bộ Hồ Gươm đã diễn ra một cuộc đi bộ của gần 10 nghìn người mà nòng cốt là thành viên của group facebook “Cấp 3 khóa 91-94 toàn Hà Nội” (chủ yếu sinh năm 1976 và học phổ thông trung học ở Hà Nội giai đoạn 1991-1994) với chủ đề kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Lần đầu tiên, hoạt động của một cộng đồng ảo đã tạo nên hiệu ứng tích cực và có sự ảnh hưởng lớn tới nhận thức xã hội của nhiều người dân Thủ đô.

Sân chơi của những người Hà Nội tử tế ảnh 1Logo kêu gọi đã uống rượu bia thì không lái xe của nhóm 91-94 Hà Nội

Lan tỏa thông điệp yêu thương

Khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - không lái xe” vốn dĩ không phải quá xa lạ với bất kỳ người tham gia giao thông nào. Tuy nhiên, từ trước tới này, việc kêu gọi là một chuyện, còn thực hiện nó đến đâu lại là câu chuyện khác. Bằng chứng là vẫn có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc diễn ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ các lái xe điều khiển phương tiện trong tình trạng nồng nặc hơi men.

Với nhóm 91-94 Hà Nội, việc họ “xuống đường” lần này cũng không ngoại lệ. Đêm 30-4, rạng sáng 1-5, vụ tai nạn tại hầm chui Kim Liên gây ra bởi một lái xe có sử dụng rượu bia đã cướp đi sinh mệnh của 2 người phụ nữ trụ cột gia đình. Đây cũng là 2 thành viên tích cực nhất của nhóm 91-94 Hà Nội và để lại nhiều sự tiếc thương trong cộng đồng những người bạn sinh năm 1976 này. Cũng cần nói thêm, trước khi gặp nạn, chính 2 phụ nữ trên đã rất nhiệt tình trong việc cùng nhóm 91-94 Hà Nội ủng hộ cho gia đình nữ công nhân môi trường đô thị tử vong do bị một lái xe say xỉn khác tông trúng khi đang làm việc trên đường Láng.

Để sự ra đi của 2 người bạn không trở nên vô nghĩa, “những người ở lại” đã quyết định phát động phong trào nói không với rượu bia khi tham gia giao thông. Điều bất ngờ là, phong trào ấy không chỉ được thực hiện trong cộng đồng hơn 10 nghìn thành viên 91-94 Hà Nội mà nó nhanh chóng được rất nhiều cộng đồng Facebook khác chia sẻ. Thậm chí, Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND thành phố Hà Nội cùng nhiều cơ quan, tổ chức, người dân khác cũng nhiệt tình chung tay, giúp sức.

Sân chơi của những người Hà Nội tử tế ảnh 2Những logo của nhóm 9194 Hà Nội tại sự kiện đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu bia - không lái xe”

Anh Nguyễn Đức Hiệp - Chủ tịch của nhóm 91-94 Hà Nội nói: “Ngay từ khi thành lập nhóm, điều chúng tôi mong muốn là có được một sân chơi vui vẻ, đoàn kết và có ý nghĩa cho những người bạn học chung thời cấp 3, đồng thời đóng góp một phần nhỏ bé bằng những việc làm của mình để xây dựng một thành phố văn minh, tốt đẹp. Câu chuyện 9194 Hà Nội đi bộ để kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - không lái xe” chính là hiện thực hóa những mong muốn ấy. Chúng ta chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc diễn ra hàng ngày, bản thân nhóm 91-94 Hà Nội cũng rất đau đớn khi cùng lúc mất đi 2 thành viên. Vì thế chúng tôi nghĩ, hôm nay tôi là nạn nhân, mai là các bạn, và ngày nào đó có thể sẽ là con cái, người thân của tất cả chúng ta. Không chỉ có vậy, rượu bia cũng có thể biến tôi hoặc các bạn thành thủ phạm gây ra những hậu quả không thể bù đắp lại cho người khác. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, thông điệp này cần phải lan tỏa càng rộng càng tốt. Chúng tôi hy vọng, mọi người sẽ thay đổi nhận thức không chỉ đối với chính bản thân mà còn có trách nhiệm hơn khi nhìn thấy người khác quá chén và chuẩn bị lên xe. Đó chính là tình cảm chúng ta sẽ dành cho bạn bè, người thân của mình”.

Hàng nghìn chiếc áo, hàng chục nghìn logo đã được phân phát tới những người đăng ký tham gia cuộc đi bộ đầy ý nghĩa này. Trên mạng xã hội, vô số các tài khoản cá nhân dù không phải thành viên 91-94 Hà Nội cũng đã thể hiện sự đồng tình với hoạt động nói trên bằng cách thay đổi ảnh đại diện với khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - không lái xe” .

Sân chơi của những người Hà Nội tử tế ảnh 3Cựu học sinh 91-94 Hà Nội chung tay dọn rác và tặng thùng rác cho quận Tây Hồ

Việc tốt bắt đầu từ hành động nhỏ

Khởi đầu từ ý tưởng của một vài thành viên, ngày 28-6-2016 nhóm 91-94 Hà Nội ra đời với ban đầu chỉ có vài trăm người bạn vốn là cựu học sinh niên khóa 1991-1994 của các trường PTTH Hoàn Kiếm, PTTH Amsterdam và PTTH Chu Văn An. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 5 ngày sau, con số này đã vọt lên mức 10 nghìn người. Tất cả đều là cựu học sinh các trường thuộc khối phổ thông trung học ở nội và ngoại thành Hà Nội. Qua mạng xã hội, những người bạn này nhanh chóng kết nối với nhau, tạo nên một tập thể đoàn kết với nhiều hoạt động khá sôi nổi, mang đậm ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Không hề quá lời khi nói họ đã trở thành một “hiện tượng” của các group trên facebook bằng các việc làm tích cực của mình. Với gần 45 trường phổ thông trung học và một Ban liên lạc lên tới 150 người, những hoạt động của nhóm 91-94 Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận. 

Sân chơi của những người Hà Nội tử tế ảnh 4Hoạt động hiến máu tình nguyện của nhóm 91-94 Hà Nội

Phạm Ánh Dương ngoài đời là một cô gái khá trầm tính, thậm chí có phần hơi “nghiêm túc”. Nhưng khi là một Admin của nhóm 91-94 Hà Nội, chị lại là một thành viên xông xáo khi “tả xung hữu đột” với tất cả các hoạt động của nhóm như xây dựng phong trào bóng đá, Gala hội ngộ hay các chương trình xã hội tình nghĩa. “Chúng tôi muốn làm những điều tốt đẹp cho Hà Nội - nơi đã nuôi dưỡng chúng tôi trưởng thành. Vì thế 91-94 Hà Nội quan niệm, việc tốt không phải là những gì đao to búa lớn mà bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt của chính mình. Nếu muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn thì ngay trong cộng đồng 10 nghìn thành viên 91-94 Hà Nội cũng có rất nhiều bạn cần giúp đỡ. Đôi khi mọi người cứ nghĩ đến những thứ quá xa xôi mà quên mất rằng “dưới chân cột đèn lại là nơi tối nhất”. Chúng tôi giúp nhau khi đau yếu, khi đưa con cái đi khám bệnh, khi gặp một vấn đề khó khăn, trắc trở trong cuộc sống hàng ngày. Việc tốt bắt đầu bằng cách không vứt rác ra đường, không vượt đèn đỏ, không nói tục chửi bậy... đó là những thứ tốt đẹp dễ làm nhất thì tại sao ta lại không thực hiện ngay?” - chị nói.

Chính vì suy nghĩ ấy mà những ông bố, bà mẹ nay đã ngoài 40 tuổi này lại bắt đầu tự bảo nhau thay đổi hành vi để làm gương cho con cái mình trước tiên. Những chương trình nhặt rác vì Thủ đô xanh sạch đẹp nhằm hưởng ứng ngày môi trường thế giới của nhóm 91-94 Hà Nội bắt đầu được thực hiện từ tháng 6-2017 tại hồ Tây và đến nay vẫn được đều đặn duy trì với quân số thường trực khoảng 1.000 thành viên. Các kỹ sư, bác sỹ, chiến sỹ công an, quân đội, doanh nhân, nhà giáo hay những tiểu thương kinh doanh tự do - những người từng ngồi chung một bàn học từ thời niên thiếu - đều cùng nhau xắn tay áo quét đường, xóa các biển quảng cáo rao vặt, chăm sóc cây tại vườn hoa Lạc Long Quân và bảo nhau tặng 20 thùng đựng rác cho quận Tây Hồ. 

Từ trái tim tới trái tim

Sau 91-94 Hà Nội, một số nhóm khác của các cựu học sinh PTTH Hà Nội khóa dưới cũng đã được lập ra với mô hình tương tự và số thành viên tham gia không hề nhỏ. Nhiều nhóm đã bắt đầu thực hiện các chương trình sinh hoạt đóng góp tích cực cho cộng đồng. Điều đó chứng minh rằng, mong muốn thay đổi nhận thức,   lan tỏa những hành vi tốt đẹp mà nhóm 91-94 Hà Nội đàn anh từng kỳ vọng và khởi xướng đã bắt đầu thành hiện thực. Anh Nguyễn Đức Hiệp tự hào bảo: “Câu nói, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim là rất đúng. Ví dụ như ngay trong 91-94 Hà Nội, trước đây có rất nhiều bạn chưa hiểu hết và còn e ngại đối với việc hiến máu nhân đạo. Nhưng khi chúng tôi giải thích và phát động phong trào, các thành viên đã nhận thức được vấn đề và tới nay 91-94 Hà Nội luôn có khoảng 1.000 bạn sẵn sàng tham gia hoạt động này. Chúng tôi rất vui vì đã tổ chức được 5 lần hiến máu cho các bệnh viện với hàng nghìn đơn vị máu và đến nay việc làm này đã trở thành định kỳ với 2 lần/năm”. 

Đối với 91-94 Hà Nội, câu chuyện hiến máu nhân đạo đã để lại nhiều tình cảm đối với những người bệnh và các y bác sỹ bởi ngoài máu, họ còn hỗ trợ suất ăn, viện phí, hay tổ chức các chương trình ca nhạc tự biên tự diễn dành tặng những em nhỏ chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi hỏi anh Hiệp, “theo quy luật, cái gì có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Có bao giờ anh nghĩ, sẽ có ngày “câu chuyện” mà 91-94 Hà Nội đang viết sẽ kết thúc hay không?”. Và câu trả lời của anh kiến trúc sư này là: “Vấn đề không phải  91-94 sẽ tồn tại bao lâu hay bao giờ kết thúc. Quan trọng nhất là 91-94 đã làm được những gì? Có được những gì? Để lại những gì? Chúng tôi đã có một sân chơi rất vui với nhau. Làm được những việc tuy nhỏ, nhưng 10 nghìn thành viên đều thấy ý nghĩa và hạnh phúc. Và nếu nó là điều tốt đẹp thì tôi tin, nếu 91-94 không còn, sẽ có các nhóm khác tiếp tục thực hiện những điều tốt đẹp đó. Đó mới là điều đáng nói”.

Sân chơi của những người Hà Nội tử tế ảnh 6Hoạt động nhặt rác hưởng ứng tháng vì môi trường của nhóm 91-94 Hà Nội

Vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân chính là do lái xe có sử dụng rượu bia. Ngay tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết 3 người do lái xe có sử dụng rượu bia, gây bức xúc lớn trong dư luận. Để cộng đồng và người tham gia giao thông nâng cao hơn nữa nhận thức về hệ thống quy định pháp luật; công tác kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng như tác hại của rượu bia đối với cộng đồng nói chung, Báo An ninh Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Thời gian từ 14h-16h ngày 13-5-2019 (120 phút). Tại buổi giao lưu trực tuyến, những nội dung liên quan tới “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” sẽ được giải đáp chi tiết với sự tham gia của các vị khách mời gồm: đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và Phòng CSGT (CATP Hà Nội); đại diện Bộ Y tế; đại diện doanh nghiệp vận tải.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biết tích cực, TNGT giảm sâu về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, lĩnh vực TTATGT đường bộ còn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT do lái xe vi phạm các quy định về nồng độ cồn. Điển hình là 3 vụ tai nạn tại tỉnh Bình Định, Hà Nội trong tháng 4 và 5 đều do lái xe ô tô đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, làm chết và bị thương nhiều người, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân. 

Để vận động mọi người nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật về TTATGT nói chung và thực hiện hành động cụ thể “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nỗi đau do TNGT gây nên, Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng UBND TP Hà Nội với sự đồng hành của Báo Giao thông, Nhà hát kịch Việt Nam và Cộng đồng cựu học sinh THPT thành phố Hà Nội khóa 1991-1994 (gọi tắt là Cộng đồng 91-94) tổ chức sự kiện: Đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”. Thời gian: Từ 7h30 đến 9h30, ngày 12-5-2019. Địa điểm:  Khu vực trước Tượng đài vua Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm). Đại biểu tham dự: Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; Lãnh đạo UBND TP Hà Nội; các nghệ sĩ nổi tiếng và hơn 8.000 người là nhân dân, đoàn viên và các thành viên cộng đồng THPT Hà Nội khóa 91-94.