Sân bay Sa Pa 5.900 tỷ đồng được phê duyệt đánh giá tác động môi trường

ANTD.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa.

Quyết định đánh giá tác động môi trường này là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, do Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng trên diện tích 371ha, đáp ứng tiêu chuẩn cảng hàng không dân dụng cấp 4C - ICAO và dự bị cho quân sự cấp II có dự trữ phát triển cho Cảng đến giai đoạn sau 2030 đáp ứng 4E/II.

Sân bay Sa Pa sẽ được xây dựng trên địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên

Cụ thể, sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh (CHC) có chiều dài 2.400m x 45m; 2 sân quay đầu; 1 đường lăn vuông góc; 1 đường lăn song song đồng thời xây dựng các đoạn chờ đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh từ đường CHC về đường lăn song song.

Cùng đó, sẽ xây dựng sân đỗ máy bay đảm bảo 9 vị trí đỗ cho máy bay code C hoặc tương đương, có đất dự trữ phía Nam để mở rộng sân đỗ sau năm 2030; 1 đài kiểm soát không lưu tại phía Nam nhà ga hành khách, tháp chỉ huy cao 45m nằm cách tim đường CHC khoảng 470m.

Nhà ga hành khách được thiết kế với công suất đạt 1.200 hành khách/giờ cao điểm, đáp ứng khai thác khoảng 3 triệu hành khách/năm và có tính đến quỹ đất dự trữ mở rộng sau năm 2030.

Nhà ga hàng hóa được bố trí trong ga hành khách và có phần diện tích dự trữ để xây dựng nhà ga hàng hóa giai đoạn sau năm 2030.

Cùng đó, sẽ xây dựng tuyến đường kết nối từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào Cảng hàng không Sa Pa.

Liên quan đến chủ trương cũng như nguồn vốn để đầu tư sân bay Sa Pa, đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, trước đây UBND tỉnh Lào Cai đã từng có đề xuất xây dựng CHK Sa Pa tại chính địa điểm được quy hoạch nêu trên.

Cụ thể, Lào Cai đề xuất xây dựng sân bay dân dụng cấp 4C, công suất 2,5 - 3 triệu khách/năm với tổng mức đầu tư dự án dự kiến 5.900 tỷ đồng.

Hình thức đầu tư CHK Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai đề xuất là kết hợp giữa ngân sách Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công và hình thức đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, Lào Cai đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng khu bay và đường trục vào cảng. Ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 910 tỷ đồng để thực hiện GPMB, tái định cư và rà phá bom mìn.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ chi khoảng gần 132 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay. Phần còn lại hơn 1.770 tỷ đồng (xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không) sẽ đầu tư theo hình thức BOT.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị nên đầu tư toàn bộ CHK Sa Pa theo hình thức BOT. Theo cơ quan này, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, để giảm áp lực cho ngân sách đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư - quản lý - khai thác - bảo trì cũng như đảm bảo vai trò chủ trì của người khai thác cảng hàng không trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ tại cảng, ngoại trừ các hạng mục quản lý điều hành bay sẽ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (mô hình tương tự sân bay Vân Đồn).