Sám hối của một cựu cán bộ Toà án trong phòng biệt giam tử tù (1)

ANTĐ - Điều khiến tôi đau đớn nhất là tôi đã trở thành một đứa con mang tội bất hiếu với cha mẹ, ông bà - những công chức hiền lành cả đời sống lương thiện.

Sinh trưởng trong một gia đình bố mẹ đều là cán bộ ngành Tòa án, bản thân cũng là cán bộ TAND tỉnh Lai Châu, am hiểu pháp luật. Nhưng Vũ Quốc Việt lại phạm phải một tội khó tha thứ, khi ăn cắp số lượng ma túy là tang vật vụ án mà Việt được nhận để mang đi tiêu hủy. Điều đó đã khiến Việt suýt nữa phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.

Hồi sinh từ cõi chết

Ngày 23/5/2010, khu biệt giam các phạm nhân có án tử hình Trại Tạm giam Công an tỉnh Lai Châu vẫn yên ả, lạnh lẽo. 10h30, nghe tiếng lách cách của chùm chìa khóa và bước chân quen thuộc của người cán bộ quản giáo khu giam, tôi tự nhủ: "Lại bước qua một ngày mới"! Khác với mọi ngày, hôm nay tôi thấy nét mặt, ánh mắt của cán bộ rất vui. Tôi hỏi: "Hôm nay có việc gì vui thế cán bộ ơi"? Đáp lại câu hỏi của tôi, cán bộ quản giáo cười hiền: "Rồi anh sẽ biết", nói rồi cán bộ đi sang khu phòng trực của cán bộ ở bên cạnh.

15 phút sau, từ buồng giam nhìn ra bên ngoài con đường đi vào khu biệt giam, tôi thấy rất đông cán bộ của các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát tỉnh. Tôi nhớ đến ánh mắt, cử chỉ của người cán bộ quản giáo lúc nãy mà tim bỗng đập thình thịch vì hồi hộp. Tôi hiểu rằng hôm nay sẽ có một phạm nhân án tử hình trong khu biệt giam nhận được tin vui. Lòng tôi vừa buồn vừa vui, vì không biết người đó có phải là mình hay không. Nhưng nếu là bất cứ ai, tôi cũng mừng cho họ vì cơ hội được làm lại cuộc đời.

Ảnh minh hoạ

Và rồi mắt tôi đã nhòe đi, khi đoàn cán bộ bước vào phòng giam và thông báo "khai sinh" ra tôi lần thứ hai: "Tôi và đoàn công tác các cơ quan công an, tòa án và viện kiểm sát của tỉnh thông báo cho anh một tin vui. Anh Vũ Quốc Việt, anh đã được Chủ tịch nước ký quyết định ân giảm án tử hình". Giây phút đó cả khu buồng giam 12 người chết lặng. Tôi nghe mà vẫn chưa dám tin vào tai mình. Nhưng rồi những con người hiện hữu trước mắt, những điều tôi mắt thấy tai nghe đã khiến tôi thực sự vỡ òa hạnh phúc khi nhận ra rằng tôi đã thực sự được "xuống cùm". Các cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát dường như cũng vui lây niềm vui của tôi. Họ không ngớt cười nói, chúc mừng và động viên tôi. Ngày hôm đó, trước khi rời khỏi khu biệt giam để sang khu giam thường, tôi đã đi chào và động viên những phạm nhân trong khu tử tù, động viên họ cố gắng tin tưởng và chờ đợi vào may mắn và phước lành sẽ đến với mình.

Khi bước chân ra khỏi khu biệt giam, biết chắc là mình sẽ được sống, điều đầu tiên tôi nghĩ đến chính là bố mẹ tôi. Tôi biết giờ này chắc cả gia đình đều hồi hộp đợi tin tôi. Suốt gần 2 năm biệt giam kể từ khi tôi bị tuyên án tử hình, mỗi lần mẹ lặn lội vượt qua gần 600 km để đến thăm nuôi tôi, tôi thấy tóc mẹ lại bạc thêm một phần. Những lúc đó lòng tôi như xát muối. Lần nào cũng vậy, mẹ chỉ hỏi tôi được duy nhất một câu: "Con có khỏe không?", rồi cứ thế ngồi ôm tôi khóc. Tôi hiểu là mình đã làm cho bố mẹ và gia đình thật sự thất vọng. Bởi từ khi còn nhỏ đến lúc tôi bắt đầu trưởng thành, mọi hy vọng của bố mẹ đều dồn hết vào tôi. Vậy mà tôi - một người cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật, đã làm những việc trái với lương tâm, đạo đức và pháp luật để rồi phải đón nhận hình phạt thích đáng này.

Lòng tham đã khiến tôi lạc lối

Tôi sinh ra khi miền Nam được giải phóng 2 tháng 6 ngày. Khi còn nhỏ, tôi được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, gia đình hai bên nội ngoại và cả khu tập thể Tòa án Nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), nơi cả bố mẹ tôi cùng công tác. Tôi còn nhớ, khi còn bé, tôi rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn nên năm 1979, khi tôi 4 tuổi, chiến tranh biên giới nổ ra, mỗi khi có còi báo động trên loa công cộng, bác bảo vệ cơ quan thường giao cho tôi chỉ huy lũ trẻ ở cùng khu tập thể xuống hầm tránh đạn. Sau đó, tôi được sơ tán về quê nội ở vùng hồ Thác Bà - Yên Bình - Yên Bái, sống cùng với gia đình ông bà nội cho đến hết chiến tranh.

Hết lệnh sơ tán, tôi được bố mẹ đón về đi học. Bố mẹ tôi sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Là con thứ hai trong gia đình, nhưng do nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lúc nào bố mẹ cũng coi tôi như con cả. Khi bắt đầu vào lớp 1, tôi đã biết nấu cơm giúp mẹ. Ngày đó thời bao cấp, gia đình ai cũng khó khăn, chúng tôi cũng không phải ngoại lệ. Có những hôm nấu cơm xong, bố mẹ tôi bảo: "Các con ăn đi, bố mẹ ăn cơm ở cơ quan rồi". Lúc đó còn nhỏ quá, tôi đâu biết nhà hết gạo, chỉ còn đủ cơm cho 4 anh em tôi nên bố mẹ chấp nhận nhịn đói để nhường cơm cho chúng tôi.

Sau này bố mẹ tôi nhận được hợp đồng làm chổi xuất khẩu, cuộc sống gia đình mới bớt khó khăn vì có thêm nguồn thu ổn định. Bố mẹ tôi không còn phải nhường cơm cho anh em tôi nữa. Bố mẹ tôi đều là công chức, nên rất quan trọng chuyện học hành của con cái. Dù hoàn cảnh gia đình thế nào, bố mẹ cũng quyết cho anh em tôi ăn học. Bố thường nói với anh em tôi: "Bố chỉ lo cho các con cái gốc thôi, còn các con phát triển thế nào thì tự định phương hướng".

4 anh em chúng tôi lớn lên, đều vào đại học, ra trường có việc làm ở các cơ quan nhà nước, bố tôi vui lắm. Thời điểm năm 1997 đến năm 2002, gia đình tôi rất tự hào vì bố mẹ thành đạt trong công tác, các con đều học hành đến nơi đến chốn và bắt đầu xây dựng công danh sự nghiệp.

Sau khi ra trường, tôi công tác tại Tòa án Nhân dân tỉnh Yên Bái từ năm 1994 đến năm 2007. Năm 2007, tôi được tăng cường lên công tác tại tỉnh Lai Châu (là tỉnh mới thành lập được 3 năm) đang thiếu nguồn cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, có bằng cấp. Trước khi lên Lai Châu công tác, bố mẹ chỉ dặn dò tôi: "Con lớn rồi, Lai Châu là tỉnh mới, lên đó cũng phát triển được, nhưng có nhiều cám dỗ, đặc biệt là ma túy. Con nhớ phải tránh xa nhé. Không ai làm giàu được bằng ma túy đâu". Lúc đó tôi cũng xác định tư tưởng rất rõ ràng nên nhận công tác mới, tôi rất vui vẻ. Các đồng nghiệp ở cơ quan mới cũng rất hòa đồng, thân thiện. Tôi hoàn toàn không lấn cấn về cuộc sống mới. Vậy mà tôi không ngờ điều bố tôi lo lắng trước ngày tôi chuyển công tác đã trở thành sự thật.

Mới nhận công tác chưa lâu, một hôm tôi được lệnh của thủ trưởng cơ quan yêu cầu thành lập hội đồng tiêu hủy vật chứng của các vụ án hình sự đã có hiệu lực pháp luật theo Quyết định của Tòa án. Tôi được phân công là Thư ký Hội đồng tiêu hủy và có trách nhiệm rà soát hồ sơ các vụ án, lập các biên bản theo quy định của pháp luật để tiêu hủy vật chứng, kiểm tra lại số lượng vật chứng cần tiêu hủy. Khi nhìn thấy số ma tuý vật chứng quá lớn, lòng tham của tôi đã trỗi dậy.

Tôi nghĩ đến việc lấy trộm số ma túy đó đem bán để lấy tiền tiêu xài. Sau rất nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, lòng tham trong tôi đã chiến thắng. Tôi đã chiếm đoạt toàn bộ số vật chứng ma túy đó trót lọt. Khi phát hiện mất một lượng lớn ma túy vật chứng, cơ quan tôi lập tức báo với Cơ quan điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ vài ngày sau, cơ quan điều tra đã triệu tập tôi lên. Họ đã cho tôi cở hội để hối cải, bằng cách động viên tôi viết đơn tự thú. Vì số ma túy chiếm đoạt quá lớn, nên dù tôi rất thành khẩn khai báo suốt quá trình điều tra, xét xử, tôi vẫn bị tuyên án tử hình.

Ảnh minh hoạ

Gia đình tôi, hầu hết các cô, các bác, các chú và anh chị cũng đều làm trong ngành Tòa án, Kiểm sát và lực lượng vũ trang. Sinh ra trong một gia đình như thế, bản thân lại là cán bộ Thi hành án dân sự của tỉnh Lai Châu, tôi là người nắm rất rõ pháp luật. Thế nhưng chính tôi lại phạm phải cái tội chết người khi ăn cắp tang vật của một vụ án ma túy đang chờ thiêu hủy, một tội không thể tha thứ. Khi bị công an bắt giữ và đưa đi, ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là cuộc đời mình đến đây là hết. Lúc đó điều khiến tôi đau đớn nhất là tôi đã trở thành một đứa con mang tội bất hiếu với cha mẹ, ông bà - những công chức hiền lành cả đời sống lương thiện.

Là một cán bộ thi hành án của tỉnh Lai Châu, tôi là người am hiểu pháp luật và cũng từng chứng kiến sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật với những kẻ buôn ma túy. Tôi chẳng có bất cứ lý do nào để bao biện cho hành vi phạm tội của mình. Chỉ một phút nông nổi, lóa mắt vì đồng tiền, tôi đã trở thành một kẻ phạm tội, đã làm hỏng cuộc đời mình và phá vỡ hạnh phúc của cả gia đình tôi. Không chỉ thế, tôi còn mắc tội với cả dòng họ mình, khi lôi kéo người em con cô ruột cùng phạm tội. Em con cô ruột tôi là Nguyễn Hồng Quân, đã cùng tôi vận chuyển 8 bánh heroin mà tôi ăn cắp đem đi giấu để tìm thời cơ bán. Cả gia đình tôi đứng trước một cú sốc vô cùng lớn, khi chứng kiến hai anh em chúng tôi phải tra tay vào còng số 8 và đối mặt với bản án mà những người thân của tôi - những người làm trong các cơ quan pháp luật - đều không dám nghĩ tới.
(Còn tiếp)

(Ghi theo lời kể của phạm nhân Vũ Quốc Việt - Trại giam Hồng Ca)