Sai từ hệ thống

ANTĐ - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa thông báo tuyển giáo viên cho trường công lập năm 2012, trong đó không tiếp nhận bằng ĐH tại chức và liên thông, anh Nguyễn Thái Dương (26 tuổi, ở Đại La, Hai Bà Trưng) thấy hoang mang.

- Các trường học có tiếng, họ có quyền tuyển dụng nhân tài chứ?

- Đã tuyển nhân lực thì đơn vị nào cũng mong muốn tuyển được người tài, có năng lực. Xét theo tình hình hiện nay thì họ làm thế là đúng. Thế nhưng, đây không phải lần đầu các đơn vị từ chối bằng tại chức. Đã đến lúc ngành giáo dục phải xem xét lại hệ học này. Một hệ đào tạo mà có ít đơn vị tuyển dụng thì rõ ràng nó đang không có hiệu quả.

- Đâu chỉ hệ tại chức mới có vấn đề?

- Đúng thế, chính vì giáo dục tồn tại quá nhiều bất cập, nên nếu cải cách thì cải cách cái gì? Từ đâu? Cả một mớ hỗn lộn những yếu kém, các diễn đàn, hội thảo đã nghiên cứu tìm hiểu mà vẫn chưa đâu vào đâu.

- Bạn nghĩ gì về việc một trường tiểu học tại Vĩnh Phúc nêu khẩu hiệu “Rèn thầy trước, luyện trò sau”?

- Tôi nghĩ đó là một trong những nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục của các trường học. Tôi tin rằng có rất nhiều thầy cô yêu nghề, nhưng chỉ họ thôi chưa đủ, vì cái sai bắt đầu từ hệ thống, từ khi biên soạn sách giáo khoa, từ mục đích đào tạo của các môn học.

- Bạn có ý kiến gì đóng góp cho giáo dục?

- Đồng quan điểm với một nhà giáo dục là: những gì không cần thì phải bỏ, còn những gì cần thiết thì phải đưa vào. Giáo dục là phải dạy cách suy nghĩ để giúp người học nắm vững logic, triết lý, các ích lợi của môn học đó chứ không chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức vì kiến thức là vô cùng, vô tận.