Sai sót y tế vẫn bị đùn đẩy, làm ngơ

ANTĐ - Do xác định trách nhiệm quản lý hệ thống y tế giữa chính quyền địa phương với ngành dọc thời gian qua chưa thật sự rõ ràng nên xảy ra nhiều tình huống khó xử. Khi một vụ việc liên quan đến y tế xảy ra ở xã, phường, chẳng hạn như vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường mới đây, không có đơn vị nào nhận trách nhiệm, thậm chí  đùn đẩy lỗi cho nhau. 
Sai sót y tế vẫn bị đùn đẩy, làm ngơ ảnh 1
Việc nhận thức, hành động liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị 
trong những vụ sai sót y tế chưa rõ ràng, minh bạch (Ảnh minh họa)


Có trách nhiệm nhưng vẫn làm ngơ 

Tại hội thảo “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế’’ tổ chức ngày 26-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tất cả các văn bản pháp quy về quản lý công tác y tế được ban hành hiện nay, từ hệ thống khám chữa bệnh công lập đến ngoài công lập hay lĩnh vực tiêm chủng… đều có quy định rõ trách nhiệm của ngành y tế và vai trò của chính quyền địa phương. Việc tổ chức tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật công chức y tế đều thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và Bộ Y tế không có quyền can thiệp. Với phương thức quản lý như vậy, chính quyền địa phương được toàn quyền tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế xảy ra. Tuy nhiên trong thực tế, khi có vụ việc sai phạm xảy ra, dư luận đều nhìn nhận lỗi trực tiếp là của ngành y tế, trong khi nhiều người lẽ ra phải chịu trách nhiệm cũng còn có thái độ đùn đẩy, làm ngơ. 

“Với các vụ sai phạm trong ngành y tế thời gian qua, tôi sẵn sàng nhận một phần trách nhiệm vì sự việc xảy ra trong ngành của mình. Nhưng truy vào văn bản pháp luật quy định thì sao? Toàn ngành y tế từ trên xuống dưới không ai chối bỏ trách nhiệm, nhưng đây đó có những cá nhân, đơn vị phải chịu trách nhiệm rõ ràng không kém thì không lên tiếng, không nhận, không báo cáo, không gì cả - Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn phát biểu.

Bao nhiêu thanh tra cũng không đủ?

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Y tế, ông Đỗ Trung Hai, Phó Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP. Hà Nội cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý y tế ở cơ sở là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, y tế là một lĩnh vực chuyên sâu nên giao chính quyền quản lý không dễ, do đó ngành y tế cần nghiên cứu làm sao để có mô hình chính quyền địa phương vào cuộc thuận lợi hơn. Ông Đỗ Trung Hai dẫn ví dụ, thực tế có tình trạng khi chính quyền địa phương xuống chỉ đạo Trạm Y tế thì họ bảo “tôi trực thuộc Sở”. Việc chỉ đạo còn khó như vậy thì khi xảy ra sai sót, việc phân định trách nhiệm có vướng mắc cũng là điều dễ hiểu.

Tiếp tục phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi sự việc xảy ra trong công tác y tế trên địa bàn mà không rõ trách nhiệm thuộc về ai, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một phần do bộ máy ngành y tế hiện nay phân tán. Trong ngành “vẽ ra” đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp nhưng thực chất đơn vị sự nghiệp có làm cả chức năng quản lý nhà nước. Đơn cử như Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế các quận/ huyện là đơn vị sự nghiệp nhưng cũng làm cả các việc liên quan đến quản lý nhà nước, chẳng hạn chỉ đạo công tác tiêm chủng. Cũng vì thế mà các việc xảy ra trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương không biết.

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, chính quyền phường khó quản xuể tất cả công tác y tế bởi phường không có cán bộ chuyên trách, mà làm y tế thì bắt buộc phải có chuyên môn, không có chuyên môn thì có kiểm tra cũng không phát hiện được gì. Muốn làm được, chính quyền địa phương cần phải có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của ngành y tế. Ông Nguyễn Sỹ Cương nói tiếp: “Ngành Y tế có tới 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, 39.000 cơ sở bán thuốc mà chỉ có 250 thanh tra y tế. Nhìn vào đó thì thấy đúng là không thể làm xuể được. Nhưng giờ cần bao nhiêu là đủ? Cái quan trọng là các cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý có trách nhiệm, cấp phép xong phải giám sát ngay”.