Sai sót liên tiếp của trọng tài

ANTĐ - Cựu Còi Vàng V-League, cựu trọng tài FIFA, Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền (ảnh) đã có những chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết xung quanh công tác trọng tài sau khi vòng bảng World Cup 2014 kết thúc.

Sai sót liên tiếp của trọng tài ảnh 1
Trọng tài Nishimura bị phản ứng sau khi “biếu không” chủ nhà Brazil một quả 11m ở trận khai mạc, khởi đầu cho chuỗi sai lầm liên tiếp của trọng tài World Cup

- PV: Nhiều người cho rằng, trọng tài đã phá nát trận đấu và khiến nhiều đội bóng “chết oan” bởi những quyết định sai lầm. Ở góc nhìn một nhà chuyên môn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Ông Dương Văn Hiền: Thật sự tôi rất bất ngờ với công tác trọng tài ở World Cup năm nay. Có rất nhiều sai sót đặc biệt nghiêm trọng trong việc xác định giữa phạt đền hay không phạt đền, bàn thắng hay không bàn thắng, phạt thẻ hay không phạt thẻ. Từ trọng tài chính đến các trợ lý đều mắc lỗi. Theo ghi chép của tôi, có hơn 10 lỗi đặc biệt nghiêm trọng của trọng tài tại vòng bảng. Những lỗi này trải dài từ trận khai mạc giữa Brazil và Croatia (trọng tài đã mắc sai sót khi “tặng” quả phạt đền cho chủ nhà để nâng tỷ số 2-1, để sau đó thắng 3-1) cho đến lượt trận cuối bảng E diễn ra rạng sáng 26-6 (thay vì Honduras được hưởng phạt đền và cầu thủ của Thụy Sỹ phải bị thẻ đỏ nhưng trọng tài đã bỏ qua). Điều đáng nói là nhiều quyết định sai của trọng tài làm thay đổi cục diện, kết quả trận đấu. Không ít đội bóng ấm ức vì bị loại “oan” bởi trọng tài.

- Từ dư luận, truyền thông đến HLV, cầu thủ đội bóng đều ít nhiều lên tiếng chỉ trích sau những sai sót của trọng tài ở giai đoạn đầu, nhưng sai sót cứ nối tiếp, thậm chí còn ở mức độ dày hơn… 

- Quả thật, chưa ở một kỳ World Cup nào mà 4 trận mở đầu có tới 3 trận trọng tài bị kêu ca. Và cũng chưa mùa giải nào, sai sót trọng tài lại nhiều đến thế. Cá nhân tôi nghĩ, FIFA và Ban tổ chức World Cup 2014 không phải không biết điều này và thực tế, họ đã có những nhắc nhở, thậm chí thôi nhiệm vụ với một vài trọng tài ngay sau những quyết định khiến đội bóng bức xúc. Thế nhưng, giới cầm còi World Cup vẫn tiếp tục mắc lỗi. Đó thật sự là điều đáng tiếc ở giải đấu năm nay. 

- Ngoài yếu tố chuyên môn, liệu có nguyên nhân đến từ “tư tưởng” như một số người nghi ngờ không, thưa ông?

- Tôi trực tiếp làm nghề hơn 10 năm và từng làm việc với rất nhiều trọng tài FIFA, nên phần nào hiểu được tâm lý của họ khi được tham gia điều khiển các trận đấu ở các giải lớn. Họ không dại gì mà đánh đổi sự nghiệp qua những động tác phất cờ, tiếng còi méo mó vì cái giá phải trả rất đắt.

- Ông nghĩ gì về công nghệ Goal-line (xác định bàn thắng qua vạch vôi) và bình xịt bọt lần đầu được sử dụng tại World Cup?

- Tôi cho đây là thay đổi rất tích cực, giúp trọng tài xác định đúng bàn thắng. Trước đây khi chưa có công nghệ Goal-line, nhiều trận đấu tranh cãi nảy lửa và trọng tài thường khó khăn khi xác định các pha bóng đã hoặc chưa qua vạch vôi cầu môn, đặc biệt ở những trường hợp trọng tài có góc quan sát không tốt. Hay như việc dùng bình xịt bọt, trước đây nhiều cầu thủ khi lập hàng rào thường lao lên nhưng khó xử phạt, còn nay thì chỉ cần anh lao qua vạch xịt bọt là ăn thẻ, không thể chối cãi. 

- Trọng tài rõ ràng đang “hưởng lợi” từ thành quả công nghệ, nhưng xét cho cùng, quyết định cuối cùng vẫn do con người (trọng tài, trợ lý) đưa ra. Và như vậy, sai sót vẫn là điều khó tránh khỏi. 

- Đúng vậy. Tôi ví dụ như trận Italia gặp Uruguay, tình huống Suarez bị cho đã cắn Chiellini và nên bị đuổi khỏi sân nhưng trọng tài chính Marco Rodriguez đã không đưa ra bất cứ án phạt nào cho tiền đạo của Uruguay. Tôi cảm thông với Rodriguez vì ông ta đã không có góc quan sát tốt ở tình huống đó. Nguyên tắc của trọng tài là phải thấy rõ ràng mới xử lý. Và thậm chí khi xem đi xem lại pha quay chậm vẫn chưa thể xác định Suarez thực sự cắn Chiellini hay không. Có người nói, các giám sát trọng tài có thể xem pha quay chậm từ máy tính để tư vấn cho trọng tài chính. Nhưng nếu cứ mỗi tình huống tranh cãi trọng tài lại phải dừng hồi lâu để tham khảo giám sát, trợ lý thì trận đấu vụn nát, mất hấp dẫn.

- Từ sai sót của trọng tài World Cup, nhiều người liên hệ tới trọng tài Việt Nam, đại ý “trọng tài cấp thế giới còn sai lè lè thì khó trách trọng tài V-League. Trên cương vị Phó ban Trọng tài VFF, ông nghĩ sao?

- Không thể lấy làm mừng. Mình thấy người ta sai thì phải lấy đó làm bài học, rút kinh nghiệm để làm sao chuyên môn bản thân tốt hơn lên. Cá nhân tôi cũng như VFF, Ban trọng tài đang ấp ủ nhiều dự định để làm sao cải thiện chất lượng, uy tín trọng tài Việt trong mắt người hâm mộ và cả giới truyền thông. Hiện nay nhiều cầu thủ, đội bóng có cách hành xử rất nghiệp dư, rất không đúng với các trọng tài. Nó khác hẳn với môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở một số quốc gia khác.

- Xin cảm ơn ông!