Sai lầm khi chữa sốt xuất huyết tại nhà khiến bệnh càng nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự báo, năm 2021 là năm chu kỳ bùng phát của dịch sốt xuất huyết, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh bên cạnh chống dịch Covid-19.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó, người bệnh cần thận trọng trong điều trị bệnh và tránh những quan niệm sai lầm dễ gây hại cho sức khỏe.

Bị một lần sẽ không bị lại

Đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.

Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Uống thuốc Aspirin và Ibuprofen khi bị sốt xuất huyết

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là Aspirin và Ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi nước bẩn

Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở. Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vây, khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.

Giảm sốt là hết bệnh

Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.

Chỉ phun thuốc muỗi một lần, muỗi sẽ “sợ”

Nhiều người nghĩ rằng gia đình đã từng phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại trong thời gian hàng tháng. Thực tế, thuốc phun diệt muỗi là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương và diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người.

Những việc tuyệt đối tránh

Tuyệt đối không cạo gió, cắt lể. Cách làm phản khoa học này sẽ khiến tình trạng xuất huyết ngoài da nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng. Không được dùng các loại thuốc hạ sốt liều cao là Ibuprofen, Aspirin thay thế Paracetamol. Người bị sốt xuất huyết dễ chảy máu đường tiêu hóa, các thuốc này càng gây viêm loét dạ dày tá tràng, khiến nguy cơ chảy máu ồ ạt, tổn thương gan.

Trẻ dưới 6 tuổi sốt hay bị co giật, cha mẹ tuyệt đối không lau mát bằng nước đá lạnh hoặc cồn. Cách này không hạ sốt mà còn làm co mạch máu, phỏng rộp da. Chỉ nên lau bằng nước ấm thấp hơn 2 độ C so với nhiệt độ cơ thể. Lau ở các vùng mạch máu lớn như hai bên cổ, hai bên nách, trán. Lau thường xuyên khoảng 15-30 phút, hạ sốt thì ngừng lại. Không ăn uống thực phẩm có màu đen, đỏ, nâu như cháo huyết, chocolate… Khi nôn, đi cầu, dịch có màu đỏ khiến khó phân biệt với xuất huyết tiêu hóa.