Sách và chợ

ANTĐ - Bất chấp thời tiết mưa lạnh trong ngày đầu, ngày cuối cùng của sự kiện, vẫn có rất đông người yêu sách tìm đến để được sở hữu những cuốn sách cũ tại “Chợ phiên sách cũ” Hà Nội. Tuy nhiên, cũng vì tính chất “chợ phiên” nên ra về chợ sách, không ít bạn đọc lắc đầu… 
Sách và chợ ảnh 1

Sách cũ được bày lẫn lộn với sách mới

Sách cũ còn nguyên sức hút

10 tấn sách đã được chào bán trong sự kiện “Chợ phiên sách cũ 2015” được tổ chức tại Đại học Văn hóa, Hà Nội. Đây đã trở thành một thương hiệu đối với những người yêu sách bên cạnh các Hội sách được tổ chức với sự tham gia của những cái tên chẳng còn xa lạ như Sách cũ Chiến, Sách cũ Bạch Mai, Sách vũ Vì dân… Năm nay, có lẽ do chọn Đại học Văn hóa, Hà Nội là không gian tổ chức, lại vào 2 ngày cuối tuần, nên sự kiện thu hút được đông đảo bạn đọc trẻ. Trong 2 ngày tổ chức chợ phiên, lượng người đổ về đây không lúc nào ngớt, kể cả trong thời tiết mưa, rét hay trong buổi chiều muộn.

Đó là một điều đáng mừng với văn hóa đọc. Cái hay ở chợ sách cũ là người đọc sẽ được tiếp cận với nhiều thể loại sách, không chỉ sách văn học, nhiều đầu sách ngoại văn, sách khoa học, giáo dục, kinh tế, kỹ năng sống… được bày bán, phục vụ bạn đọc. Vì là sách cũ nên sách có thể được bán theo từng chồng, từng tập, đôi khi chỉ được buộc sơ sài bằng một sợi dây nilon… nhưng thế cũng đủ làm vui lòng những người yêu sách. Bởi ở đây, họ mới tìm thấy những cuốn sách gắn liền với tuổi thơ, ra đời từ mấy chục năm trước như bộ “Thủy Hử”, bộ “Tam quốc” hay các cuốn tiểu thuyết của Kim Dung…

Dấu ấn cá nhân vẫn còn vẹn nguyên trong từng trang sách, đôi khi là dòng lưu bút, cảm nhận, những tấm bưu thiếp với những câu chuyện khá đời tư… Đến đây mới thấy những cuốn sách cũ còn nguyên dấu thư viện, gắn những mức giá chỉ vài đồng một cuốn, những tác phẩm có tuổi đời nửa thế kỷ, giấy đã ố vàng, rách nát… có một sức hút lạ kỳ với người yêu sách. 

Sách và chợ ảnh 2

ợng người đổ về chợ phiên trong 2 ngày cuối tuần khá đông

Chợ sách cũ bán sách mới

Người mua sách mong chờ ở một chợ phiên sách cũ, cơ may tìm được những cuốn sách độc, quý hiếm. Không đơn thuần là thưởng thức, những người tìm đến chợ sách cũ thường trân trọng những giá trị cũ, mong muốn tìm về kỷ niệm hay những điều đã mất. Nhưng không ít bạn đọc khi đến chợ sách lại thất vọng, vì sách được bày bán nhiều nhưng những đầu sách giá trị lại không thấy đâu.

Rất nhiều bạn đọc cao tuổi đã vất vả lắm mới vào được giữa đám đông để mua sách, xong lại phải ra về tay trắng, vì việc tìm được cuốn sách mình cần giữa một núi sách đủ thể loại, chẳng được sắp xếp theo một thứ tự nào, gần như là một chuyện không thể. Và cũng trong đám đông ấy, bạn đọc sẽ bất ngờ khi chứng kiến cảnh chủ các nhà sách, các đơn vị sách… đứng hẳn lên ghế để thu tiền, người mua, người bán tranh cãi về giá cả… Đã thế, không ít cuốn sách được nhà sách chào bán với giá cao, không mấy chênh lệch so với sách mới. Nhiều cuốn sách kinh điển thế giới như “Ba chàng lính ngự lâm”, “Đất vỡ hoang”… phiên bản những năm 60, 70… cũng được bán với giá 30.000 đồng.

Điều này gây không ít ngạc nhiên cho bạn đọc, là nhà sách dựa vào đâu để định giá cho những cuốn sách này. Nhưng nếu có thắc mắc, e rằng, người mua cũng không tìm được câu trả lời thích đáng. Nếu có dịp vào chợ sách, bạn đọc sẽ được thấy các nhà sách tiếp thị cả những cuốn sách… mới nguyên. Hỏi một bộ sách của Dan Brown, người mua sẽ được giảm mức 30%.

Tuy nhiên, khi hỏi vì sao lại bán sách mới, người bán sách ngay lập tức tỏ thái độ bực mình. Vẫn biết là chợ, tức là phải chấp nhận sự thiếu quy củ, đôi khi lộn xộn, nhưng thiết nghĩ sách là sản phẩm văn hóa, người kinh doanh sách, người mua sách cũng là người quan tâm đến văn hóa, thì việc ngã giá sách như “quần áo hàng thùng”… cũng không phải là một hình ảnh đẹp.