Sách lậu “vào mùa”

ANTĐ - Năm học mới đã chính thức bắt đầu, và đây cũng chính là thời điểm “bùng nổ” việc in, phát hành sách lậu với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi .

Thiết bị và sản phẩm được phát hiện tại một cơ sở in, phát hành sách lậu

Phát hiện nhiều lò sách lậu lớn

Liên tiếp trong vòng 4 ngày cuối tháng 8 vừa qua, Phòng An ninh chính trị nội bộ CATP Hà Nội phối hợp với CAH Từ Liêm, CAQ Thanh Xuân, thanh tra văn hóa đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh sách lậu với số lượng và quy mô lớn. 

Qua công tác trinh sát và xác minh nguồn tin, Phòng An ninh chính trị nội bộ phát hiện tại khuôn viên Công ty Xuất nhập khẩu Prosimex trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân có cho một số cơ sở in, gia công sau in thuê làm cơ sở sản xuất. Trong số này có xưởng in của Công ty TNHH Thiên Thành hoạt động in lậu sách. Chiều 27-8, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đã phát hiện xưởng in của Công ty Thiên Thành đang in và hoàn thiện sau in 9 đầu sách thuộc lĩnh vực giáo dục từ mẫu giáo đến Đại học của một số NXB như Giáo dục, Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân. Ông Đỗ Trung Triều là Giám đốc Công ty Thiên Thành không xuất trình được hợp đồng in và quyết định xuất bản của các xuất bản phẩm nói trên.

 

Trước đó, vào ngày 23-8, lực lượng công an cũng tiến hành kiểm tra cửa hàng và kho sách của bà Ngô Thị Thu tại địa chỉ 35 Lương Thế Vinh, Trung Văn, Từ Liêm. Kết quả đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 2 tấn sách đựng trong 62 bao tải nghi có nguồn gốc in sao lậu. Chủ cửa hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn nguồn gốc sách. Số sách thu được tại cửa hàng của bà Thu gồm khoảng 100 đầu sách là giáo trình của hầu hết các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, mang tên rất nhiều nhà xuất bản khác nhau. Cơ sở này kinh doanh đã gần 10 năm nay, gần đây nổi lên hiện tượng phát hành sách, giáo trình lậu với số lượng lớn. Ngoài ra, bà Thu còn là đầu mối phát hành đến nhiều điểm kinh doanh sách lậu trên địa bàn Hà Nội cũng như một số tỉnh khác. 

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Thượng tá Trần Văn Thuận, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ cho biết: Thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9, các đối tượng đang “vào mùa” tập trung sản xuất sách giáo trình lậu để phục vụ cho sinh viên vào năm học mới. Cách đây 2 năm, do các quyển giáo trình được in lậu bằng phương pháp in offset cả bìa lẫn nội dung nên sách có giá thành cao, số lượng bản in lớn. Do đó, khi chưa bán được thì bắt buộc phải có kho hàng để chứa và rất dễ bị “lộ”. Không những vậy, số vốn đọng ở đây khá lớn khiến ai phải “trường vốn”  mới dám làm sách. 

Nhưng từ 2 năm trở lại đây, một số đối tượng sản xuất và phát hành sách lậu đã thay đổi phương thức hoạt động. Đó là chỉ in offset bìa sách với số lượng từ 1.000-2.000 bản, sau đó đặt hàng photo, vào bìa, hoàn thiện sách với số lượng theo nhu cầu thị trường. Cơ sở in không phải thuê nhà kho, đặt thành phẩm luôn tại cửa hàng nên khá kín đáo, phát hành nhanh gọn và tránh được sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Thêm vào đó, việc đầu tư cũng không tốn nhiều vốn, số vốn đọng cũng không lớn vì sách sản xuất theo số lượng đăng ký, hết mới sản xuất thêm. Điển hình như trong vụ việc liên quan đến bà Ngô Thị Thu, khoảng 100 đầu sách thu được ở cửa hàng 35 Lương Thế Vinh chủ yếu là sách ngoại ngữ và sách giáo trình được in bìa offset còn ruột sách được photocopy để hạ giá thành.

Với chế tài xử phạt thấp, lợi nhuận cao, kinh doanh quanh năm, các cơ sở in, phát hành sách lậu vẫn ngang nhiên hoạt động, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với loại hình này. 

Tin cùng chuyên mục