Sách làm giàu có phải là tấm vé để đi đến thành công?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Văn hóa đọc sách self help, hay còn được gọi là sách tu thân, tự lực, sách phát triển bản thân đã và đang được bán rất chạy ở Việt Nam trong những năm gần đây. Rất nhiều người đã coi những cuốn sách này như cẩm nang gối đầu giường và nếu làm theo đúng như sách dạy thì có thể thành công trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tiễn bao giờ cũng cách nhau một khoảng dài dằng dặc.

Hai cuốn sách Think and grow rich của Naponleon Hill xuất bản năm 1937 và cuốn Hẹn bạn trên đỉnh thành công của Zig Ziglar xuất bản năm 1975 là hai cuốn sách được nhiều thế hệ tìm đọc và dĩ nhiên hiệu quả của những nguyên tắc và kỹ thuật mà sách chia sẻ là không thể phủ nhận được.

Hai cuốn sách kinh điển mở ra bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp self help

Hai cuốn sách kinh điển mở ra bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp self help

Đối với ngành công nghiệp self help mà nói khi sự ra đời của hai cuốn sách kinh điển ở trên có thể được ví giống như sự ra đời quan trọng của động cơ hơi nước đối với cuộc cách mạng công nghiệp.

Giàu có là sự khác biệt lớn nhất mà con người phấn đấu và làm cách nào để trở nên giàu có là điều mà ai cũng cần trong cuốn sách. Nếu như những lời dạy quá khứ trước kia hướng con người tới những giá trị của sự trưởng thành là bình an, hạnh phúc, sự thấu hiểu, lòng dũng cảm,.. thì nay để chứng minh và hướng đến sự trưởng thành lại là tiền bạc, quyền lực, sự nổi tiếng, sức ảnh hưởng.

Làm giàu không khó?

Mỗi người tiếp cận sách bằng những góc độ khác nhau. Có người thì tìm hiểu rõ ràng, người thì mua nhưng không đọc, còn có người thì mua chỉ vì sự nổi tiếng của nó rồi cuối cùng không biết là mình đọng lại được những gì.

Đã có một thời mà mục tiêu lớn nhất của giấc mơ Mỹ (American Dream) đó là: Who want to be a milionare? (Ai muốn trở thành triệu phú?) và làm thế nào để thực hiện giấc mơ đó thì không ai nói với bạn cả.

Sách self help hiện nay được bày bán và được trưng bày rất bắt mắt tại các hiệu sách, mỗi cuốn sách xuất bản có giá từ 100 – 200 nghìn đồng. Theo đánh giá của người bán hàng tại phố sách , người mua và người tham khảo thường tìm đến những loại sách kỹ năng, dạy làm giàu là chủ yếu.

Ảnh các loại sách self help được săn đón

Ảnh các loại sách self help được săn đón

Một điều đặc biệt là những cuốn sách như vậy lại được những bạn trẻ Việt Nam quan tâm và đón nhận rất tích cực, những cuốn sách còn được chọn lọc, gói gém cẩn thận để làm quà tặng tri thức lưu niệm. Cũng chính vì những lý do đó, sách kinh điển dạng này thường bị in lậu rồi rao bán tràn lan trên mạng xã hội theo kiểu "dọn kho lấy chỗ", chuyển cửa hàng bán phá giá. Cách đây chưa lâu, các cơ quan chức năng còn bắt được cả ổ in sách lậu với số lượng lên tới mấy trăm đầu sách. Cũng toàn là cách dạy làm giàu cả.

Mặt tích cực của sách thì ai cũng rõ, nhưng mặt tiêu cực của sách thì lại muôn hình muôn vẻ. Và mặc dù sách cung cấp cho bạn những phần thưởng tinh thần hết sức lớn lao nhưng nếu chỉ ngồi đọc rồi không chịu hành động thì chẳng bao giờ thành công cả.

Theo Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn cho biết: “Sách self-help khá khôn khéo khi đánh trúng tâm lí của độc giả, đặc biệt là khao khát muốn thành công, muốn đổi đời, muốn trở nên hoàn thiện, muốn trở thành một phiên bản của những người xuất chúng. Tuy thế, cũng như "thực phẩm chức năng", nếu không biết cách sử dụng hoặc sử dụng quá liều, sách self-help sẽ gây nhiều hệ lụy ,mà rõ nhất, theo tôi là người đọc sẽ không tìm thấy những khả năng, giá trị đích thực của mình ở đâu.

Với những người trẻ, việc đọc sách self-help cũng cần có cân nhắc, tỉnh táo. Ở độ tuổi đôi mươi, người trẻ phải hướng tới đọc những sách tri thức khó hơn, thách thức khả năng suy nghĩ và phản biện, mở mang góc nhìn và quan điểm,... Một tuổi trẻ chỉ biết đọc sách dạy kĩ năng, theo tôi, là đã tự tiêu lẹm đi quỹ thời gian đọc đáng kể nhất, hiệu quả bậc nhất trong cuộc đời.”

Lắng nghe chính mình

Bạn cũng đừng vội phán xét hay đánh giá, đòi hỏi quá nhiều ở một cuốn sách. Bản chất nó chỉ là một thứ để đọc và nghiền ngẫm những kiến thức của người khác. Nhưng điều quan trọng là nằm ở chính bản thân, cuộc đời của mỗi người không ai giống ai. Vậy tại sao nhiều người vẫn muốn làm bản sao cho sự hoàn mỹ.

Thẳng thắn khi để lắng nghe bất cứ ai, bạn phải có cách nào đó để trò chuyện với họ. Để lắng nghe ý muốn của bản thân, bạn cũng phải làm tương tự như vậy, sắp xếp hoạt động để trò chuyện với chính mình, từ đấy bạn mới thật sự biết mình đang muốn gì.

Phải chăng, self help mà chúng ta hiểu lại chính là học từ những quá khứ mà mình đã trải qua, chiêm nghiệm lại tất cả. Đó mới chính là sự thay đổi, thời gian và sự trải nghiệm cuối cùng mới là tấm vé thành công, thứ để quyết định kiến tạo nên chính con người mình.