Sách "Hà Nội thanh lịch": Tiếc cho một thời quá vãng

ANTD.VN - Qua những chuyện cụ Hoàng Đạo Thúy viết trong cuốn “Hà Nội thanh lịch”, người ta thấy hay, song đồng thời thấy tiếc khi cái nho nhã, hào hoa của người Hà Nội xưa giờ đã ít nhiều phôi pha.

Người Hà Nội xưa nổi tiếng thanh lịch, cởi mở, chân tình

1. Nói về Hà Nội thì không bao giờ cũ. Chẳng thế mà có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã viết về Hà Nội, kể cả quá vãng lẫn thời hiện đại. “Hà Nội thanh lịch” cũng là một trong số đó. Đây là cuốn sách cuối cùng cụ Hoàng Đạo Thúy viết về mảnh đất quê hương trước khi qua đời. Trước đó, nhà văn hóa này đã từng viết nhiều cuốn sách như “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, “Phố phường Hà Nội xưa”, “Người và cảnh Hà Nội”…

Nhưng điều làm cho cuốn sách này nổi bật hơn các tác phẩm khác viết về Hà Nội  của chính cụ Hoàng Đạo Thúy, bởi đây không phải cuốn sử liệu thông thường mà nó như lát cắt về văn hóa - lịch sử - địa lý, về nếp ăn nếp ở của người Hà Nội từ năm 1945 trở về trước. 

Tất cả câu chuyện về người Hà Nội, từ chuyện trong nhà, hàng phố, cách dạy con, tiếp khách, quan hệ trên dưới, cách ăn mặc… đều được nhìn qua con mắt một người uyên bác và chan chứa tình yêu Hà Nội. 

2. Đọc “Hà Nội thanh lịch”, người ta hình dung cốt cách của người Hà Nội đã từng được định danh qua “chuyện phố”. Phố Hàng Gai nổi tiếng thanh nhã vì đây là “phố văn học”, chuyên bán sách. “Trong phố, ít khi có tiếng xô xát. Có việc gì cũng chỉ cần “nói ý” là xong chuyện”. Còn phố Hàng Đào là “phố hào hoa nhất kinh kỳ”, các cửa hiệu tủ kính san sát, bóng bẩy các cô bán hàng lịch sự, khách đi qua nhẹ nhàng mời xem hàng.

Nhìn chung, người Hà Nội sống với nhau chân tình, cởi mở, biết “nể”, tránh những việc “mất lòng”. Cùng xóm, cùng phố thấy mặt là đon đả chào nhau trước, hỏi thăm, hỏi đón. Còn khi ai đi vắng thì “gửi nhà nhau”. Tựu trung, theo lời tác giả, trong phố luôn có một không khí hòa hợp, “cận duyệt, viễn lai” - ở gần đẹp lòng, ở xa muốn đến. 

Mặc dù sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo nàn, thế nhưng người Hà Nội xưa vẫn giữ cho mình lối sống trật tự, nguyên tắc. Điều này thể hiện rõ ở những nhà hàng phố, khi chẳng nhà nào lấn ra đường, dù chỉ một chút vì sợ “mang tiếng”.

Ngẫm lại thì thấy trái ngược hẳn với những con đường thò thụt, những căn nhà lố nhố ở Hà Nội hôm nay. Ở trên không “nhích” được vài phân thì cũng phải cố đua bằng được cái ban công ra ngoài, chẳng ai kém ai. Và tất nhiên chẳng thấy ai sợ “mang tiếng” hay xấu mặt với hàng xóm láng giềng cả.  

3. Cũng trong cuốn sách này, người đọc tìm thấy những phong tục, thói quen hàng ngày rất thú vị của người Hà Nội. Đó là khi đi đâu xa về, người Hà Nội lúc nào cũng thèm món “dưa Đình Gừng” hay món đậu rán giòn ở đầu ngõ Miễu, Hàng Bạc.

Đời sống kham khổ vất vả, ăn uống cũng rất thanh bạch nhưng không kém phần tinh tế. Không chỉ kỹ tính cho bản thân mình, người Hà Nội còn hào hoa trong cách thết đãi, đối nhân xử thế. Ấy là chuyện khi pha nước chè mời khách, bao giờ cũng có chén nước “tống khẩu” để khách súc miệng.

Khách ở quê khi đi vào thành phố, luôn có thể tìm được bên đường có một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch được để sẵn. Chính vì thế mà người Tràng An, người Hà Nội vốn nổi tiếng là thanh lịch, mặc dù cái thanh ấy đôi khi bị người ta hiểu chệch là “thanh lịch giả hiệu”, để che đậy cái kiêu căng, kiểu cách bên trong. 

Lẽ dĩ nhiên, người Hà Nội hôm nay nhìn vào đó có cớ mà chạnh lòng, khi những cái tốt đẹp đã thuộc về quá vãng, những tiếng thơm xưa kia gần như đã phôi pha trong cuộc sống ngày hôm nay. Để khi đọc tác phẩm này, bất cứ ai từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đều không chỉ xót xa về những thứ tử tế, đẹp đẽ khi xưa, mà cảm thấy có trách nhiệm để gìn giữ cốt cách thanh lịch của người Hà Nội một thời.                     

Tin đọc nhiều