"Sắc màu vương giả" lưu giữ vẻ đẹp trang phục của đồng bào dân tộc

ANTD.VN - Sử dụng những sắc màu vương giả, lóng lánh của chất liệu sơn mài truyền thống, họa sĩ Đỗ Đức đã lưu giữ vẻ đẹp của 60 bộ trang phục đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. 11 bức tranh sơn mài khổ lớn của ông đang được ra mắt người xem tại không gian nghệ thuật Thong Dong Ville, số 15B, ngõ 37 Trịnh Công Sơn, Hà Nội.

 

Bộ tranh độc đáo, có giá trị thẩm mỹ này chứa đựng biết bao tâm huyết trong hơn 40 năm theo đuổi của họa sĩ Đỗ Đức.  

Dự hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số toàn miền Bắc tại Thái Nguyên năm 1978, họa sĩ Đỗ Đức tình cờ được chiêm ngưỡng những bộ sắc phục đẹp lạ thường của đồng bào các dân tộc như Pa Dí, Xá Phó, Lô Lô, Khơ Mú… và ông nảy ra ý tưởng dùng hội họa để “ghi chép” lại vẻ đẹp của các trang phục ấy.

Họa sĩ Đỗ Đức

Từ đó, trong những chuyến đi công tác miền núi, ông âm thầm gom những tư liệu bằng ký họa, hỏi han và ghi chép nguồn gốc, các chi tiết để cắt nghĩa cho việc tạo thành trang phục.

Họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ, ông ghi chép và lưu giữ tư liệu rất cẩn thận. Mỗi bộ quần áo, váy áo đều có một hồ sơ về nguồn gốc. Bởi khi vẽ phải biết để cắt nghĩa cho việc tạo thành bộ váy áo chứ không phải chuyện ngẫu nhiên.

"Sắc màu vương giả" lưu giữ vẻ đẹp trang phục của đồng bào dân tộc ảnh 2

Một tác phẩm của họa sĩ Đỗ Đức tại triển lãm

Các bộ sắc phục được trưng bày lần này từng được họa sĩ vẽ trên tranh giấy và giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, Pháp, khiến người xem sửng sốt vì sự phong phú trong thiết kế của một số dân tộc. Từ tranh giấy, nay ông chuyển sang chất liệu sơn mài để bảo đảm độ bền lâu hơn, giữ lại hình ảnh của những bộ váy áo quần của phụ nữ các dân tộc miền núi.

"Chỉ xung quanh bộ sắc phục thôi, nhưng đằng sau vài chục loại hoa văn là từng ấy câu chuyện. Đấy là bầu trời văn hóa của một dân tộc, là những tầng văn hóa tích lũy trong nhiều thế hệ.

Đi từng vùng, tôi dần nhận ra, một dân tộc Dao với 12 nhánh, thì có 12 bộ sắc phục khác nhau. Trong cộng đồng người Mông đen, thì Mông đen Quỳ Hợp Nghệ An khác hoàn toàn Mông đen Sơn La và Mông đen Sapa (Lào Cai) thì lại càng khác nữa", họa sĩ Đỗ Đức nói.

Theo những tài liệu gom được, ông ước tính nếu thể hiện đủ thì phải có trên 120 bộ sắc phục khác nhau của các nhánh các dân tộc. Vẽ để thống kê được toàn bộ các bộ sắc phục của các dân tộc trên khắp vùng đất nước là mong muốn từ lâu, mà đến nay ông đã thực hiện được phân nửa…

Họa sĩ Đỗ Đức là người nặng lòng với văn hóa dân tộc, đặc biệt là đề tài về miền núi. Từ triển lãm cá nhân đầu tiên "Miền núi và dân tộc" (1986), rồi triển lãm Cao nguyên đá được tổ chức ngay tại Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) năm 2013, đến cuộc trưng bày này đã cho thấy những cống hiến thầm lặng và rất ý nghĩa của vị họa sĩ sinh năm 1945 này cho mảng đề tài văn hóa các dân tộc Việt Nam.