Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ thổi bùng tranh cãi

ANTD.VN - Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể có “tuần trăng mật” ngọt ngào sau khi nhậm chức khi đang phải đối mặt với những chỉ trích và phản đối mạnh mẽ sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời mà ông vừa ký ban hành.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài sân bay quốc tế San Francisco để phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh với người Hồi giáo của 7 quốc gia

Trong động thái mới nhất nhằm bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer ngày 31-1 biện minh rằng, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump không cho người tị nạn cũng như người dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số được tới Mỹ không phải là “một lệnh cấm nhập cảnh”.

Ông Spicer đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông coi chính sách đang gây tranh cãi này là “một lệnh cấm”, đồng thời khẳng định sắc lệnh của Tổng thống Trump “không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo mà chỉ là một cơ chế xét duyệt lý lịch nhằm giữ cho nước Mỹ được an toàn”. 

Trước đó, đích thân Tổng thống Trump cũng đã phải khẳng định rằng sắc lệnh mà ông vừa ký hôm  27-1 không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ hướng tới mục đích chống khủng bố vì sự an toàn của nước Mỹ. Ông chủ mới của Nhà Trắng cũng tái khẳng định rằng, hơn 40 quốc gia Hồi giáo trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này. 

Việc đại diện Nhà Trắng phải liên tiếp lên tiếng biện minh và bảo vệ cho sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời cho thấy đây đã trở thành một thách thức thực sự và đầu tiên mà chính quyền của tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt chỉ sau khi ông Donald Trump chính thức lên cầm quyền có 10 ngày.

Theo sắc lệnh gây tranh cãi này, người dân từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày; đồng thời đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia vào Mỹ trong vòng 4 tháng và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria. 

Ngay sau khi sắc lệnh trên được công bố, lập tức nổi lên làn sóng chỉ trích và phản đối rộng khắp, trong đó mạnh mẽ nhất đến từ ngay trong lòng nước Mỹ và chính trường Mỹ. Một điều hiếm hoi đã xảy ra trong lịch sử hành pháp Mỹ khi Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates đã chống đối sắc lệnh của Tổng thống Trump khi ra lệnh cho các đại diện pháp lý của bộ này không ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Lý do mà bà Sally Yates đưa ra là: “Sắc lệnh vô trách nhiệm và không hợp pháp”.

Bất chấp việc Tổng thống Trump lập tức sa thải bà Yates, khoảng 900 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký vào một bản ghi nhớ nội bộ để phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump. Đây được coi là một hành động “nổi loạn” chống lại các chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ cho dù những nhà ngoại giao này hiểu rằng họ có thể phải “trả giá” vì bị mất việc.

Cùng với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tại Mỹ, người đứng đầu ngành tư pháp của 16 bang ở nước này đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump, coi sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời là vi hiến, trái pháp luật và đi ngược lại giá trị của người Mỹ. Trong tuyên bố chung, quan chức đứng đầu ngành tư pháp tại 16 bang cam kết sử dụng mọi biện pháp nhằm chống lại quyết định này, bảo vệ những giá trị cốt lõi và an ninh quốc gia.

Thẩm phán Tòa án liên bang New York Ann Donnelly đã ra phán quyết khẩn cấp và có hiệu lực trên toàn quốc yêu cầu giới chức Mỹ ngừng trục xuất công dân các nước trong danh sách bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Trump.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra dư luận do hãng thăm dò dư luận Rasmussen, Mỹ, cho thấy có hơn một nửa cử tri Mỹ ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm người nhập cư đến từ 7 nước Hồi giáo, cho đến khi Chính phủ có thể tìm ra giải pháp tốt hơn để bảo vệ an ninh của nước Mỹ.