“Sắc diện” nền kinh tế

ANTĐ - Cuộc hành trình của nền kinh tế đã vượt qua được già nửa chặng đường đầy gian nan và thách thức. Tháng Tám mùa thu, thường được coi là cột mốc thời gian để nhìn lại diễn tiến tình hình kinh tế dưới nhiều góc độ khác nhau từ tốc độ tăng, giảm chỉ số giá tiêu dùng, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu. Từ đó có thể đưa ra dự báo tương đối chính xác triển vọng những tháng cuối năm; đồng thời nhận diện toàn cảnh “bức tranh” kinh tế cả năm 2012.

Điểm sáng nổi bật, dễ nhận thấy là, lạm phát đã được kiềm chế, mục tiêu ưu tiên số 1 đã đạt được vượt mức. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn nằm trong “lạm phát mục tiêu” đề ra cho cả năm. Lúc đầu dự kiến là 10%, từ giữa năm được cụ thể hóa là 7-8%. Một số chuyên gia dự báo có thể còn thấp hơn, vào khoảng 6,5%. Các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cũng như các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu đều thống nhất dự đoán, tăng trưởng kinh tế cả năm nếu đạt trên 5,32% thì mức tăng trưởng của năm 2012 chỉ là “đáy” từ năm 2010 đến nay. Còn nếu đạt dưới 5,32%, thì mức tăng trưởng năm nay sẽ là “đáy” tính từ năm 2000 đến nay. Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm 2012 được dự báo thấp so với nhiều năm trước và thấp so với mục tiêu đề ra, song dưới con mắt của giới phân tích, có thể được coi là hợp lý vì nhiều lẽ. Trước hết, đạt được tốc độ tăng như trên là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, bởi năm nay có nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có những cái còn khó gấp bội so với năm 2009.

Vào năm đó, cho dù nước ta có bị tác động lớn trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam còn có một số thuận lợi. Họ còn có “của ăn, của để” tích lũy được từ những năm trước kinh tế tăng trưởng cao. Cộng với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức rất cao trong nhiều năm trước, lãi suất vay ngân hàng còn ở mức thấp, lại được gói hỗ trợ kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp vấp phải những khó khăn lớn hơn nhiều, các nguồn tích lũy đã cạn dần trong khi lạm phát cao hai con số, lãi suất vay lớn gấp đôi năm 2009 và tồn kho ở mức “kỷ lục”.

Trong bối cảnh như vậy, việc kiềm chế lạm phát cao đã hoàn thành vượt mức mục tiêu là một thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên theo quy luật, CPI thường tăng cao vào những tháng cuối năm khi nhu cầu đầu tư, nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng đều tăng cao và cộng hưởng với nhau. Lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn nhất là khi chính sách tài khóa tiền tệ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng; đồng thời là tác động tâm lý khi nhà nước mạnh tay xử lý những hoạt động thâu tóm và lũng đoạn ngân hàng. Đó là chưa kể, lạm phát thấp đang được một số ngành coi là “thời cơ” để đẩy giá các mặt hàng đầu vào, nhất là xăng dầu, điện, than, thủy lợi phí, viện phí…

Vẫn còn quá sớm để nói rằng, “sắc diện” nền kinh tế đã thực sự sáng sủa tuy màu xám không còn bao phủ. Nới lỏng tài khóa, tiền tệ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý không có nghĩa là buông lỏng. Cần kiên định và nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà đã phải tốn kém thời gian và công sức mới bước đầu đạt được.