Rút kinh nghiệm để lấy phiếu tín nhiệm tốt hơn

ANTĐ - Chiều 6-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Rút kinh nghiệm để lấy phiếu tín nhiệm tốt hơn ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 6-6

Thực tế việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII và ở các cấp hành chính tỉnh, huyện, xã vừa qua cho thấy mặc dù mới thực hiện được một lần nhưng đã được đại bộ phận nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo ĐB Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (đoàn Hà Nội), qua việc lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của cán bộ, giúp cán bộ thấy được năng lực và mức độ tín nhiệm của mình để nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng đoàn kết nội bộ; đồng thời để các cơ quan quản lý cán bộ các cấp xem lại công tác đánh giá cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc hơn.

ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là cơ hội giúp cho người được giao nhiệm vụ, trọng trách thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình nhìn thấy được năng lực và mức độ tín nhiệm từ tỷ lệ bỏ phiếu tín nhiệm, từ đó, có sự điều chỉnh trong công tác, từng bước nâng cao hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm: “Chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong 1 kỳ họp Quốc hội hoặc 1 kỳ họp HĐND (tức là vào kỳ thứ hai của năm thứ ba), lấy phiếu tín nhiệm 1 lần ở giữa nhiệm kỳ nhằm giúp cho việc đánh giá năng lực công tác, quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ được cụ thể hơn. Việc lấy phiếu tín nhiệm này sẽ giúp các cán bộ nâng cao tính tự giác, từ đó tự điều chỉnh những mặt còn tồn tại để hiệu quả công tác được tốt hơn trong những năm tiếp theo. Đây cũng là cách để người dân và người có trách nhiệm phê chuẩn người đã được bầu có thể giám sát, đánh giá cán bộ đó trong các mặt công tác xem có đủ tư cách đạo đức và năng lực cho những nhiệm kỳ tiếp theo hay không”. 

Lý giải cho việc chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm 1 lần, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu việc đánh giá tín nhiệm được thực hiện hàng năm cho những người giữ nhiều chức vụ như vừa giữ trọng trách đại biểu Quốc hội, HĐND, hay trong công tác Đảng thì một năm có thể lấy phiếu tín nhiệm 2- 3 lần. Trong khi đó, những lần này lại không quy định thời gian cụ thể nên nếu không cân nhắc để đưa ra quy chế phù hợp sẽ rất dễ phản tác dụng. Bên cạnh đó, mặc dù tính tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm là giúp cho việc đánh giá cán bộ được tốt hơn, nhưng nếu việc thực hiện không được duy trì tốt trong các đơn vị để đảm bảo tính công khai, minh bạch thì rất dễ bị lợi dụng gây bè phái, mất đoàn kết nội bộ. 

Đồng quan điểm trên, ĐB Lương Văn Thành (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm 1 lần. Bên cạnh đó, cũng có đại biểu cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề xuất nên lấy phiếu tín nhiệm sau năm đầu và sau năm thứ ba, như vậy là vừa đủ thời gian thực tiễn để cán bộ điều chỉnh mình và điều chỉnh công việc của mình.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về việc sửa đổi quy định lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Chúng ta muốn thông qua kênh này để đánh giá tín nhiệm cán bộ lãnh đạo. Nếu thấy ai có năng lực hạn chế, tín nhiệm thấp thì phải có cách xử lý. Tôi tin rằng, sau khi rút kinh nghiệm, lần lấy phiếu sau sẽ tốt hơn”.

Trước đó, vào buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.