Rút dự án gây lãng phí, phải làm rõ trách nhiệm

ANTĐ - Hôm qua, 30-10, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện. Thông tin từ phiên họp cho biết, 3 năm qua, có 7 sự cố tại các dự án, công trình thủy điện gây thiệt hại, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người dân, khiến dư luận bức xúc.

Rút dự án gây lãng phí, phải làm rõ trách nhiệm ảnh 1
Yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn đối với công trình thủy điện phải được đặt lên hàng đầu 
(Ảnh minh họa)

3 năm, 7 sự cố

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện, đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, rất nhiều dự án bị loại hiện chưa có nhà đầu tư đăng ký để lập dự án đầu tư (265/424 dự án), do đó chi phí liên quan chủ yếu là ngân sách lập quy hoạch chung nhưng không nhiều.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ, bên cạnh những mặt tích cực, các dự án thủy điện đã và đang tồn tại những vấn đề gây tác động tiêu cực nhất định đối với môi trường - xã hội, nhất là với người dân ở hạ du. Hiện nay, chất lượng công trình và công tác vận hành các dự án thủy điện vừa và lớn nhìn chung đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế, đã xảy ra một số sự cố như tại dự án Sông Tranh 2 do EVN đầu tư. Với các thủy điện nhỏ, tình hình đáng lo hơn khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, nhiều chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm quản lý, xây dựng công trình thủy điện. Trong khi đó, các Sở, ngành của tỉnh lại chưa thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát. Ghi nhận trong 3 năm qua, có 6 sự cố đã xảy ra, ngoài dự án Sông Tranh 2. Với các dự án này, các cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo kịp thời khắc phục, xử lý để đảm bảo an toàn công trình, giảm thiểu tác động tiêu cực và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng các thiệt hại do dự án gây ra cũng như kiểm điểm các tập thể và cá nhân liên quan.

Làm rõ trách nhiệm

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho biết, từ việc loại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A khỏi quy hoạch, UB KH-CN&MT yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Về chất lượng công trình, Ủy ban KH-CN&MT nhận thấy, có giai đoạn, việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Tại một số dự án, công trình, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố lại chưa được quy định cụ thể.

Ủy ban KH-CN&MT cho rằng, yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn đối với công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ phải được đặt lên hàng đầu, bởi trong không ít trường hợp, an toàn đập, hồ chứa công trình thủy điện còn gắn với an ninh quốc gia. UB KH-CN&MT đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã không thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình gây sự cố, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, phải tiếp tục tổ chức rà soát quy hoạch, đặc biệt là dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ. Phải quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội.