Rượu bổ thành rượu hại

ANTĐ - Uống rượu ngâm rễ cây hà thủ ô, 2 người đàn ông ở Đắk Lắk, 1 người chết, 1 người đang nằm viện cấp cứu. Đây không phải trường hợp cá biệt, ở nước ta đã có rất nhiều người bị ngộ độc khi uống các loại rượu ngâm. Đáng lo ngại là nhiều người rất thích rượu ngâm, dù đôi khi không rõ nguồn gốc, công dụng ra sao. Thậm chí có ca ngộ độc rượu ngâm phát hiện có cả độc tố… lá ngón.

Tử vong vì… rượu bổ

Sáng 23-5, ông Nông Văn Thụ (51 tuổi, trú xã Cư Wy, Ea H’Leo, Đắk Lắk) và ông Nông Văn Vương (47 tuổi, trú xã Cư AMung, cùng huyện Ea H’Leo) cùng uống rượu ngâm các loại rễ cây, trong đó có rễ cây hà thủ ô. Được khoảng 30 phút thì ông Thụ kêu chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Ông Vương lấy xe máy chở ông Thụ lên trạm y tế xã Cư Wy để khám nhưng chỉ ít phút sau ông Thụ trở nặng và tử vong. Sau đó, ông Vương cũng lên cơn co giật, nôn ói và được đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu, may mắn sống sót nhưng tình trạng sức khỏe đang rất xấu.

Theo chẩn đoán của bệnh viện, ông Vương “bị ngộ độc nghi do uống rượu ngâm rễ cây hà thủ ô”, còn ông Thụ qua khám nghiệm tử thi cho thấy bị xuất huyết dạ dày. Trước đó, vào 31-3, tại xã Đức Xuân, huyện Thạch An, Cao Bằng cũng xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm làm 1 người tử vong, 1 người phải đi cấp cứu. Ông Nông Văn Khách (60 tuổi) và ông Bế Văn Lãng (69 tuổi) sau khi uống rượu ngâm với một loại củ trên rừng mà người dân tộc Tày gọi là nu thỏi thì cùng chung triệu chứng khó chịu trong người, buồn nôn, choáng váng, khó thở và đã được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông Lãng đã tử vong ngay sau đó, còn ông Khách bị ngộ độc nặng.

Có thể nói, rượu ngâm động, thực vật được cho là quý, tốt cho sức khỏe hiện khá phổ biến. Các địa phương vùng sâu, vùng xa, tình trạng tử vong vì ngộ độc rượu ngâm rất hay xảy ra. Tại Lào Cai từng xảy ra vụ ngộ độc 4 người uống rượu ngâm rễ cây (theo tiếng địa phương gọi là cây sảm hóa có tác dụng chữa đau lưng), khiến 1 người tử vong. Cách đây vài năm, ở Bình Định còn có trường hợp 2 người tử vong vì rượu ngâm rễ cây… lá ngón - một thực vật kịch độc.

Cái gì cũng ngâm

Với nhiều người, cứ nghe đồn con gì, cây cỏ nào bổ dương, bổ âm, trị bệnh là đem nguyên con, nguyên cây, nguyên củ thả vào rượu ngâm rồi uống, với quan niệm “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Không chỉ ngâm các loại dược liệu, nhiều người còn ngâm rượu với hoa anh túc (thuốc phiện) vì cho rằng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận rất nhiều ca ngộ độc rượu hoa anh túc. Một bác sĩ của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, uống rượu ngâm hoa anh túc rất nguy hiểm. Một người nếu dùng liên tục loại rượu này sẽ gây nghiện, không khác gì một con nghiện vừa nghiện rượu vừa nghiện ma túy.

Theo các chuyên gia đông y, việc ngâm rượu dược liệu đã có truyền thống lâu đời ở nước ta. Tuy nhiên, trước đây chỉ có những loại dược liệu được chứng minh có công dụng thực sự thì mới ngâm. Còn hiện nay, nhiều người ngâm rượu theo trào lưu, cứ nghe nói thứ gì tốt là ngâm, nhiều khi không biết rõ nguồn gốc thứ được ngâm và công dụng ra sao. Ngay các loại dược liệu cũng cần có chỉ định tốt cho bệnh lý này, hại cho bệnh lý kia chứ không phải ai cũng uống được, huống hồ đem ngâm vào rượu. Điều đó dẫn đến hậu quả là hầu như năm nào ở nước ta cũng có hàng chục trường hợp ngộ độc rượu ngâm rễ cây, lá cây rừng, dù những loại cây này đều được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, chữa được bệnh.

Hơn nữa, nhiều loài có độc, cần có kiến thức xử lý trước khi ngâm. Chẳng hạn như rượu ngâm tắc kè được cho là có công dụng giúp mạnh sinh lý, nhưng nếu không biết cách xử lý thì lại gây ngộ độc vì trong mắt tắc kè có chứa độc tố, phải biết cách làm sạch, nướng sơ qua, sau đó bỏ nội tạng trước khi ngâm rượu…