Rùng mình ngôn ngữ giới trẻ

ANTĐ - “Trưa nay vợ chồng mình đi ăn ở đâu nhỉ. Chồng đang ở cơ quan làm nốt một số công việc. Lúc nào vợ đến nơi thì gọi cho chồng nhé...”, Tuấn Hải, cậu nhân viên thế hệ 8X, làm cùng cơ quan khiến tôi không khỏi ngạc nhiên vì cuộc nói chuyện trên điện thoại, bởi lẽ Hải vẫn là chàng trai độc thân... 

“Trà chanh, chém gió”, cách để các bạn trẻ thể hiện mình 

(ảnh minh họa)


Loạn các mối quan hệ

“Em cưới vợ khi nào vậy?”, tôi thắc mắc hỏi thì Hải cười xòa: “Chị đúng là bà già. Bây giờ giới trẻ bọn em thích xưng hô kiểu ấy. Thế mới phong cách và sành điệu. Anh - em, cậu - tớ là cách gọi “quê” rồi chị ạ”. Và chẳng biết từ bao giờ, trò chơi “gia đình” được các bạn trẻ phổ biến đến mức đi đến đâu người ta cũng nghe thấy cách xưng hô này. “Ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác”, chẳng thiếu một “vai vế” nào trong dòng họ được sử dụng dù họ chỉ là quan hệ bạn bè. 

Cuối tuần vừa rồi, đang ngồi ăn cùng bạn trên phố Ngọc Khánh, bỗng một nhóm bạn trẻ bước vào quán khá ồn ào. Điều khiến tôi ngạc nhiên là cách họ xưng hô với nhau nghe rất lạ tai. Mặc dù, trong nhóm gồm 4-5 người cả nam, lẫn nữ, độ tuổi từ 19-24, nhưng họ đều gọi nhau là vợ chồng, con cái y như một gia đình. Vừa ngồi xuống bàn, một bạn gái có khuôn mặt khá dễ thương nói to: “Hôm nay mẹ gọi điện thoại cho con muộn thế. Từ sau đi ăn ở đâu thì hẹn từ hôm trước để con sắp xếp. May mà hôm nay không có việc gì bận nên mới rảnh rang để đi ăn với bố mẹ đấy…”. Cô gái nói ráo hoảnh và thản nhiên khiến tôi chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra. Trong khi tôi đang băn khoăn, thì cô gái được cho là mẹ cười tươi, đưa tay ôm cậu bạn trai ngồi cạnh nũng nịu: “Tại chồng của mẹ đây này. Hôm qua mẹ đã bảo phải mời cả gia đình đi ăn một bữa cho vui, nhưng bố con còn mải chơi điện tử trên Vincom…”. Nghe đến đây, chút nữa tôi phì cười. 

Ngay cả trên các mạng xã hội, diễn đàn tuổi mới lớn, kiểu xưng hô “gia đình” của giới trẻ đã trở thành một trào lưu. Họ xưng hô với nhau ox - bx (tức ông xã, bà xã) tự nhiên như người trong một nhà. Thậm chí, do ảnh hưởng từ phim ảnh nước ngoài, không ít bạn trẻ đã đưa cả ngôn ngữ trong phim áp dụng vào đời sống. Huyền My, học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên cho biết: “Nhóm bạn thân của em có 6 người, trong đó có 4 bạn nam. Do chúng em đều thích xem phim Hàn Quốc, nên con gái trong nhóm toàn gọi các bạn trai là “upa” (anh trai) nghe rất dễ thương và đáng yêu”. Nhiều bạn còn cho rằng, những cách gọi như vậy được coi như một kỷ niệm đẹp trong tuổi học trò, gọi như trong gia đình sẽ làm các thành viên trong lớp gần gũi với nhau hơn. 

Nói bậy không biết ngượng

Bên cạnh “mốt” xưng hô theo kiểu gia đình thì thời gian gần đây văng tục cũng đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Chỉ ít phút la cà ở những quán trà chanh vỉa hè gần Nhà thờ Lớn, phố Đào Duy Từ,… tôi đã nghe không ít những câu chửi tục tĩu được thoát ra từ những bờ môi xinh xinh của các bạn trẻ, cả nam và nữ. Khó ai có thể tin được những “lời vàng, ý ngọc” ấy lại được họ nói một cách trơn tru và thản nhiên đến vậy.

Những câu nói đơn giản như lời chào, hỏi han khi gặp nhau, đánh giá, bình phẩm, chỉ trích một ai đó, hay bất cứ một câu cửa miệng… đều được đi kèm những từ ngữ khá biểu cảm cả về ngữ nghĩa lẫn ngôn từ. Điều đáng nói, thứ ngôn ngữ mà xưa nay người ta vẫn cho là không lịch sự, ít nhiều thể hiện phông văn hoá kém cỏi của người nói thì lại được các bạn trẻ sử dụng với tần suất khá nhiều. Không ít bạn còn cho rằng “Đó là ngôn ngữ của thế giới phẳng...”. Nói như nhà văn Trần Thị Trường thì việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ đang ở mức đáng báo động. Chính điều đó làm phá vỡ đi gốc rễ của ngôn ngữ tiếng Việt. Đối với các bạn trẻ, việc thay đổi cách xưng hô thể hiện mối ràng buộc, tính sở hữu cao hơn. Đó cũng là một sự trải nghiệm mới trong tâm lý và hành động. Tất cả bắt nguồn từ sự ham muốn làm người lớn của các em. Do vậy, cần định hướng cho các em cách xưng hô, nói năng hợp lý để tránh những hệ lụy về sau.