Rủi ro từ “ngân hàng ngầm”

ANTĐ - “Ngân hàng ngầm” hay còn gọi là “tín dụng đen” đang bùng nổ mạnh, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.

IMF cảnh báo “ngân hàng ngầm” hay còn gọi là “tín dụng đen” đang bùng nổ 
trong hệ thống tài chính toàn cầu

Trong báo cáo công bố ngày 1-10 tại trụ sở ở New York (Mỹ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lo ngại cho rằng “ngân hàng ngầm” (Shadow banking hay còn gọi là “tín dụng đen”) đang bùng phát mạnh trong hệ thống tài chính toàn cầu và sự thiếu vắng cơ chế quản lý phù hợp đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Theo IMF, hiện có hơn 70.000 tỷ USD trên thế giới đang được điều khiển bởi các “ngân hàng ngầm”, tăng khá mạnh so với con số khoảng 67.000 tỷ USD mà Ủy ban Ổn định tài chính của Anh đưa ra cách đây 2 năm.

“Ngân hàng ngầm” là các trung gian tín dụng thực hiện những hoạt động giao dịch mang tính chất ngân hàng nhưng nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thống. Điểm yếu lớn nhất của hệ thống “ngân hàng ngầm” là sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngắn hạn, nên theo IMF, nếu các rủi ro không được quản lý, hệ thống này có thể đi tới phá sản, gây bất lợi lớn đối với nền kinh tế các quốc gia cũng như toàn cầu.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới song Mỹ cũng là nước có hệ thống “ngân hàng ngầm” lớn nhất toàn cầu với tổng giá trị vào khoảng 15.000-25.000 tỷ USD, gấp đôi khối lượng tài sản của các ngân hàng chính thống. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng thứ hai với 13.500-22.500 tỷ USD, tương đương  khoảng 60% tổng tài sản của các ngân hàng thông thường; Nhật Bản đứng thứ ba với 2.500-6.000 tỷ USD; các thị trường mới nổi khoảng 7.000 tỷ USD...

Không đưa ra con số ước tính giá trị giao dịch trong hệ thống “ngân hàng ngầm” (ở Trung Quốc gọi là “ngân hàng trong bóng tối”) song IMF ước tính con số này chiếm tới 35-50% GDP của Trung Quốc. Như vậy, con số này khá lớn bởi tổng GDP Trung Quốc năm 2013 đạt trên 9.300 tỷ USD và dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 10.000 tỷ USD trong năm 2014 này.

Giám đốc Bộ phận phân tích tài chính toàn cầu của IMF Gaston Gelos cho rằng, với quy mô chiếm khoảng 1/2 tổng lượng vốn ngân hàng toàn cầu chính thống, “ngân hàng ngầm” là nguồn vốn quan trọng với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Song chính điều này cùng với điểm yếu cố hữu của “ngân hàng ngầm” và khả năng quản lý rủi ro kém đang dẫn tới mối đe dọa đối với sự bình ổn tài chính toàn cầu nếu không được giám sát chặt chẽ.

Báo cáo của IMF đã nhấn mạnh tới nguy cơ cao của “ngân hàng ngầm” với hệ thống tài chính bởi hệ thống trung gian tín dụng này phụ thuộc vào nợ ngắn hạn để thực hiện các dịch vụ tín dụng. Nhắc lại sự đổ vỡ của ngân hàng Lehman vào tháng 9-2008 đã gây ra hiệu ứng domino đối với hệ thống tài chính toàn cầu mà điển hình là sự sụp đổ của hãng bảo hiểm khổng lồ American International Group (AIG), IMF cảnh báo nếu tình trạng rút tiền ồ ạt xảy ra, “ngân hàng ngầm” có thể tạo hiệu ứng dây chuyền và gây hậu quả lớn cho hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu. IMF khuyến cáo chính phủ các nước theo dõi sát sao và thu thập dữ liệu chi tiết để có thể đánh giá đúng mức về mức độ rủi ro của “ngân hàng ngầm”, đồng thời có các biện pháp điều chỉnh và can thiệp khi cần thiết.