Rủi ro đạo đức trong ngân hàng

ANTD.VN - Rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp và người dân, mà còn có thể gây bùng nổ rủi ro và đổ vỡ toàn hệ thống ngân hàng, với những hệ lụy và chi phí đắt đỏ khôn lường cho toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của cả quốc gia.

Đòi tiền “lại quả”, nhũng nhiễu khách hàng khi cho vay tiền; Cố ý làm sai quy định, lợi dụng chức vụ quyền hạn và giấy tờ giả, chữ ký giả, lập chứng từ khống, cấu kết với tổ chức/cá nhân chiếm đoạt tài sản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của khách hàng trong huy động và rút tiền; Thông đồng với khách hàng nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay vượt giá trị thực tài sản thế chấp hoặc quay vòng tài sản thế chấp vay nhiều lần ở các ngân hàng khác nhau …Đó là những hành vi đa dạng, thể hiện sự xuống cấp đạo đức của cán bộ, nhân viên ngân hàng đang ngày càng lây lan, khiến dư luận bức xúc.

Rủi ro đạo đức có căn nguyên từ buông lỏng chất lượng tuyển dụng, đào tạo và giám sát cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, những áp lực về lãi suất và điều kiện tiếp cận khoản vay, áp lực vay và trả nợ vay đã tạo ra cơ hội “đục nước béo cò” cho các thỏa thuận ăn chia giữa các cán bộ tín dụng của ngân hàng với doanh nghiệp đi vay. 

Rủi ro đạo đức có thể xảy ra ở mọi khâu và dù xảy ra ở khâu nào trong hoạt động ngân hàng, thì hậu quả mà nó gây ra là vô cùng to lớn đối với tài sản và danh tiếng của ngân hàng.

Nó khiến ngân hàng có thể không thu được vốn tín dụng đã cấp và lãi cho vay, gây mất cân đối thu chi, vòng quay vốn tín dụng giảm, kinh doanh không hiệu quả, hao hụt vốn và có thể rơi vào tình trạng mất thanh khoản, gây suy giảm năng lực tài chính, thiệt hại về tài sản và uy tín của ngân hàng.

Nói cách khác, rủi ro đạo đức là nhân tố cộng hưởng làm gia tăng rủi ro, hệ lụy xấu không chỉ cho riêng ngân hàng đó, mà đe dọa sự tồn tại, phát triển ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Khi mất niềm tin, khách hàng không gửi tiền và đối tác không giao dịch thì không còn hoạt động ngân hàng đúng nghĩa. Đạo đức nghề nghiệp là tiêu chí quan trọng khi đánh giá KPI (hệ thống các chỉ số đánh giá kết quả công việc) của từng nhân viên, cũng như đảm bảo cho uy tín và hiệu quả hoạt động của mỗi ngân hàng và của toàn hệ thống…

Rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng liên quan đến con người, có thể xảy ra cả ở cương vị cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Vì vậy, để kiểm soát các rủi ro nói chung và rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng nói riêng, cần có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất, quyết liệt từ NHNN đến mỗi ngân hàng và từng đơn vị.

Theo đó, cần đề cao chất lượng công tác tuyển lựa và thanh lọc nhân sự, nhất là ở các khâu quan trọng trong quy trình thu - chi, thanh toán ngân hàng. Xây dựng và áp dụng các bộ quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp.

Không ngừng nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và các quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết; làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận và tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra trong nội bộ và trong toàn hệ thống; đảm bảo sự minh bạch và thông suốt thông tin, khả năng chủ động nhận diện, phát hiện sớm và áp dụng có hiệu lực thực tế các chế tài nghiêm khắc cho các rủi ro, những hành vi vi phạm hoặc những dấu hiệu cảnh báo, nghi ngờ đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên…

Ngăn chặn rủi ro đạo đức cần được làm sớm, liên tục với tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy”, với trách nhiệm trước hết thuộc về bản thân từng ngân hàng và các cơ quan quản lý Nhà nước về ngân hàng...