Rủi ro cơn sốt vàng

ANTĐ - Đầu tư vào vàng đang được xem là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng niềm tin hiện nay song chính chiếc "hầm trú ẩn" này cũng chứa đựng trong nó những rủi ro khôn lường với các nhà đầu tư cũng như mọi người dân.

Dự báo ảm đạm về triển vọng kinh tế Mỹ và thế giới đã đẩy giá vàng lên cao nhất mọi thời đại

Giá vàng thế giới lại lập kỷ lục mới của mọi thời đại khi lên mức 1.847,9 USD/ounce sáng 19-8, tăng gần 60 USD chỉ sau một ngày giao dịch. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, giá vàng thế giới vượt qua ngưỡng 1.800 USD/ounce sau khi vượt mức cao chót vót này ngày 9-8 vừa qua.

Cơn sốt mới nhất của giá vàng thế giới bùng phát ngay sau khi có những thông tin tiêu cực về nền kinh tế Mỹ cũng như cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Giá vàng tăng đột biến khi nước Mỹ ngày 18-8 công bố một loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng, trong đó nổi bật nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,5% so với tháng 6, gấp 2,5 lần so với dự báo 0,2% của các nhà kinh tế, làm dấy lên lo ngại lạm phát tăng cao.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro vẫn chưa tìm được lối thoát trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức. Cuộc khủng hoảng nợ này có thể khiến thị trường liên ngân hàng bị đóng băng, dẫn đến khó khăn về thanh khoản khi nhu cầu vay vượt qua khả năng huy động vốn.

Tin xấu kinh tế dồn dập đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu ồ ạt bán tháo cổ phiếu, đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu vào một phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm do lo sợ về khả năng suy thoái kép của kinh tế thế giới. Suy thoái kinh tế và khủng hoảng niềm tin trên thị trường tài chính, chứng khoán đã biến vàng trở thành kênh đầu tư được xem là vừa có lợi nhuận nhất lại vừa an toàn nhất. Ngay trong ngày 18-8, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SDPR Gold Trust đã nhanh chân mua vào thêm 15 tấn vàng, nâng lượng nắm giữ lên trên 1.286 nghìn tấn.

Trong cơn sốt xình xịch của giá vàng thế giới, giới đầu cơ quốc tế đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này để trục lợi. Có thể nói đây là một nguyên nhân không nhỏ đẩy giá vàng lên cao kỷ lục, đồng thời gia tăng rủi ro cho hoạt động kinh doanh vàng thời khủng hoảng.

Trên trang mạng Smart Money (Đồng tiền thông minh) ngày 18-8, các chuyên gia kinh tế đã đưa cảnh báo về 4 nguy cơ, đồng thời cũng là 4 lời khuyên đối với các nhà đầu tư trong cơn sốt vàng hiện nay. Trong đó, cảnh báo đáng giá nhất là các nhà đầu tư không nên bị lôi kéo vào cơn sốt vàng hiện nay. Do giá vàng bị đẩy lên chủ yếu bởi các thông tin chứ không phải cung-cầu cho nên cần giữ vững chiến lược đầu tư dài hạn và luôn đảm bảo rằng tài sản được phân phối đúng và đa dạng hóa.

Các chuyên gia cũng khuyên nên giữ vàng ở mức tối thiểu với tỷ lệ thích hợp trong danh mục tài sản có thể từ 2-5% và luôn sẵn sàng chiến lược thoát ra để có thể chủ động thời điểm bán vàng với giá cạnh tranh tốt nhất. Cuối cùng là cảnh báo đã được kiểm chứng không biết bao lần: vàng là kênh trú ẩn song cũng rất dễ bị tổn thương.

“Bong bóng” giá vàng dưới mắt chuyên gia

Ông Vũ Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, biên độ giao dịch giữa giá mua và giá bán đã được cải thiện đáng kể so với những phiên sốt giá vừa qua. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện tại là 500.000 đồng/lượng, đây là khoảng cách an toàn và phản ánh đúng tình hình thị trường. 

Các chuyên gia phân tích của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (SBJ) cho biết, dù có nhiều cảnh báo, nhưng “bong bóng” giá vàng vẫn đang được bơm căng và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào khiến giá vàng mất 30% giá trị hiện tại. Tuy nhiên, nhu cầu nắm giữ vàng như tiền tệ thay thế trước tình hình khủng hoảng toàn cầu ngày càng gia tăng. Đối với các nhà đầu tư trong nước trước tình hình giá trong nước chênh lệch khá cao với quốc tế thì mua-bán “lướt sóng” tại thời điểm này chịu rủi ro lớn.
Đội mưa đến mua vàng
Rủi ro cơn sốt vàng ảnh 2
Giá vàng tăng mạnh nhưng nhiều người vẫn mua vào

Sau những ngày thị trường trầm lắng khi giá vàng có xu hướng đi xuống, hôm qua 19-8, thị trường mua - bán vàng lại “nổi sóng”. Mở cửa phiên giao dịch, giá vàng tiếp tục đà đi xuống, nhưng đến gần trưa giá vàng trong nước bất ngờ bật tăng, cho đến cuối ngày giá vàng đạt mức 47,5 triệu đồng/lượng, tăng hơn 2 triệu đồng mỗi lượng.

Lúc 8h40, vàng SJC được niêm yết ở mức 45,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,47 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt ngày hôm trước. Đến 11h, giá vàng đã tăng lên mức 46,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Sang đến buổi chiều, cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng nhanh chóng điều chỉnh lên mốc kỷ lục mới trên 47 triệu đồng/lượng. Bất chấp trời đổ mưa to, lượng người đến mua vàng vẫn kiên trì bám trụ, giao dịch tiếp tục diễn ra sôi động.