Rủi ro “bổ đầu” di tích: Bàng hoàng giữa đống tàn tro

ANTĐ - Gác chuông, nhà tổ chùa Trăm Gian bị dỡ bỏ, xây mới, đình Ngu Nhuế bị dịch chuyển từ vị trí cũ đến vị ví mới cả trăm mét. Sự… tùy tiện, thêm bớt, thay đổi di tích đã không lạ, nay còn cả sự xâm lăng của “văn hóa” công đức nữa.  Đó là những câu chuyện dài, với đủ những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan mà ngành bảo tồn di tích phải đối mặt. 

Chính điện chùa Dơi sau vụ hỏa hoạn

Điểm mặt cơn giận của bà Hỏa

Chỉ vì sự thiếu ý thức của du khách, ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi cùng nhiều hiện vật quý thuộc Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) đã bị thiêu rụi. Thiệt hại vật chất còn có thể đo đếm và bù đắp, nhưng thiệt hại về văn hóa không gì bù đắp nổi. Thời gian qua, đã từng có nhiều di tích kiến trúc bị bà Hỏa “hỏi thăm”. Và khi dập được cơn giận dữ của Hỏa thần, cũng là lúc, di sản chỉ còn lại tro tàn.

Chùa Tảo Sách một sớm đầu đông. Không phải tuần rằm, mồng một nên cảnh chùa vắng vẻ. Không ai có thể hình dung được, cách đây gần 2 năm, toàn bộ Tam bảo với diện tích 150m2 đã phải hứng chịu một trận hỏa hoạn lớn. Rất may, nhiều tượng quý và đồ thờ tự đã được kịp thời di chuyển đến nơi an toàn. Khi nói về trận cháy kinh hoàng ở chùa Tảo Sách năm 2011, có người cho rằng, đó cũng là quy luật vô thường, sinh-trụ-dị-diệt. Nhưng cũng có người lại bảo, mọi việc đều có căn nguyên và đám cháy đó cũng xuất phát từ những bất cẩn và từ chính việc thiếu bài bản trong việc phòng và chữa cháy, vốn lâu nay bị buông lỏng.

Trước đó, năm 2007, một trong những khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tồn tại trên 400 năm tại tỉnh Sóc Trăng là chùa Dơi đã phát hỏa. Dù lực lượng chữa cháy có mặt kịp thời nhưng khi khống chế được ngọn lửa thì bên trong chính điện chỉ còn lại đống đổ nát. Sự cố này không chỉ làm chùa tan, tượng cháy mà còn gây ảnh hưởng đến đàn dơi quý, bấy lâu nay vẫn sống trong chùa. 

Năm 2012, lại thêm một sự cố đáng tiếc, ngôi chùa cổ 700 năm tuổi  Tràsathkong (thường gọi là chùa Tắc-Gồng) tại ấp Tắc-Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng xảy cháy. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng do chính điện đóng kín, khói và sức nóng làm ảnh hưởng bên trong và những bức hoa văn đặc sắc có từ xưa đã bị bụi đen phủ kín. Phố cổ Hội An trong 2 năm 2012-2013 đã có tới 2 vụ cháy. Tháng 8-2012, hỏa hoạn tại số nhà 96 Trần Phú khiến 3 người bị thương và vật dụng bị thiêu hủy hoàn toàn. Tiếp đó tháng 7-2013, tại số nhà 134 Trần Phú (thuộc di tích nằm trong khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt) lửa bùng cháy dữ dội. Tiếp đó là vụ hỏa hoạn tại chùa Hội Sơn - một ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở TP.HCM. Toàn bộ chính điện, hậu cung, các tượng cổ bằng gỗ quý bị cháy rụi, đáng tiếc nhất là bức hoành phi với dòng đại tự “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ban tặng. 

Chùa Hội Sơn- tượng cháy, chùa tan

Ngỏ cửa cho… cháy!

Những dẫn chứng trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ cháy lớn nhỏ đã từng xảy ra, gây tổn thất lớn cho ngành bảo tồn. Những di sản đó đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử, trải qua bao thăng trầm, biến thiên, qua bom đạn chiến tranh vẫn an toàn. Thế rồi một ngày, chỉ vì những chuyện không may, những chủ quan và bất cẩn, mấy trăm năm phút chốc thành tro. Khi mỗi di sản mất đi, nó không chỉ là sự tổn hại vật chất, mà còn gây tổn thất cho cả nền văn hóa. Câu hỏi buộc phải đặt ra, chúng ta đang thực hiện công tác PCCC thế nào, việc xảy cháy do ý thức của du khách, do lơ là buông lỏng hay do chủ quan. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ vừa qua tại Bộ VH-TT&DL, khi được hỏi về sự phối hợp giữa Cục Di sản văn hóa (chủ tài sản) và các lực lượng Cảnh sát PCCC, khi đó, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Hữu Toàn đã cho biết: Lâu nay công tác PCCC ở các di tích, di sản được ngành quản lý đặc biệt quan tâm. Ngay cả ở những khu có dự án trùng tu, tôn tạo, Cục đều có yêu cầu các ban quản lý dự án trình văn bản, sơ đồ về các phương án PCCC. Năm nào cũng có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bảo tàng, di tích, khu vực có di sản làm tốt công tác PCCC.

Nói là thế, nhưng chỉ với những di tích được xếp hạng đặc biệt có Ban quản lý riêng thì việc phòng chống cháy nổ được đảm bảo. Ví như Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý các di sản như đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, đền thờ vua Lê, Bích Câu đạo quán và chùa Láng… hàng năm đều có khoản kinh phí đầu tư cho việc mua sắm thiết bị chữa cháy, tập huấn PCCC. Còn những di tích đã phân cấp cho địa phương …thì việc PCCC đa phần phụ thuộc vào lực lượng Cảnh sát PCCC. 

Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng PCCC quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng có 43 di tích đình chùa được phân loại và đưa vào danh sách lập hồ sơ quản lý. Việc lập hồ sơ quản lý này đồng nghĩa với việc, các cơ sở này sẽ được kiểm tra định kỳ, hướng dẫn PCCC, xây dựng phương án chữa cháy, khuyến cáo sử dụng gas và các vật liệu dễ bắt nhiệt. Cá biệt, có những di tích như chùa Quán Sứ, có năm tiến hành kiểm tra PCCC đến vài lần. Do đây là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thượng tá Trần Văn Vụ cũng cho biết thêm, tất cả các đợt kiểm tra PCCC ở di tích đều do lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với cơ sở thực hiện và những lần kiểm tra này đều không có sự tham gia của ngành văn hóa.

Tại các đơn vị, doanh nghiệp hàng năm đều có các đợt tập huấn công tác  PCCC, nhưng việc tập huấn, diễn tập… ở đình, đền, chùa, miếu gần như là không thể, là bởi di tích đó liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh, ngại ồn ào. Hơn nữa, những người được giao trông nom, trụ trì đình, đền, chùa… đều đã có tuổi. Thực tế là, ở một số di tích đã được trang bị hệ thống bình bọt chữa cháy, nhưng không phải những người trông nom di tích nào cũng biết sử dụng mỗi khi có sự cố. Thượng tá Hoàng Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì cũng cho rằng, điều cần nhất trong việc PCCC ở di tích là cơ chế phối hợp giữa ngành văn hóa (đơn vị có tài sản) và lực lượng PCCC. 

(Còn nữa)