Rửa tiền núp bóng hoạt động buôn bán quần áo

ANTĐ - Ngày 8-9 vừa qua, gần 1.000 cảnh sát Mỹ đã “đổ bộ” vào phố thời trang Downtown, tấn công vào 75 địa điểm bắt giữ 9 người, thu được 90 triệu USD. Đây là một phần nằm trong chiến dịch “Operation Fashion Police” (Hành quân Cảnh sát Thời trang) trong khu vực may và bán quần áo của thành phố Los Angeles, nhằm triệt phá băng đảng ma túy Mexico rửa tiền núp bóng kinh doanh thời trang trên đất Mỹ.
Rửa tiền núp bóng hoạt động buôn bán quần áo ảnh 1

Những kẻ trung gian sừng sỏ

Theo nguồn tin từ phía cảnh sát, cuộc truy quét với quy mô lớn vào ngày 8-9 là kết quả của những ngày bí mật theo dõi cửa hàng thời trang QT - một cửa hàng chuyên bán buôn quần áo bà bầu ở trung tâm thành phố Los Angeles. Vụ việc được phát hiện khi “cảnh sát chìm” Mỹ biết được thông tin một vụ bắt cóc, tống tiền từ Mexico.

Sự việc bắt đầu từ phi vụ làm ăn thất bại 100kg cocaine bị các nhà chức trách Mỹ thu giữ vào tháng 10-2012, một công dân người Mỹ trực tiếp tham gia vụ này bị chính “ông chủ” thuộc băng đảng ma túy Sinaloa khét tiếng giữ làm con tin. Con tin đã bị đánh đập và tra tấn tại một trang trại ở Culiacán (Mexico). Tên trùm băng Sinaloa đã yêu cầu số tiền chuộc là 140.000 USD, nhưng không thông qua hình thức chuyển khoản (dễ bị phát hiện) mà tại cửa hàng thời trang QT. Theo chỉ dẫn, gia đình con tin đưa số tiền chuộc cho cửa hàng thời trang QT, thông qua hình thức thanh toán cho các lô hàng quần áo nhập khẩu từ Sinaloa (Mexico).

Nắm được thông tin, triển khai kế hoạch theo chiến dịch “Operation Fashion Police”, ngày 8-9, gần 1.000 cảnh sát Mỹ đã “đổ bộ” vào Downtown, phố thời trang ở Los Angeles, tấn công vào 75 địa điểm (gồm cả cửa hàng thời trang QT) bắt giữ 9 người, thu được 90 triệu USD (70 triệu USD tiền mặt). Trong một nhà kho, cảnh sát tìm thấy 35 triệu USD được nhồi trong những hộp giấy. Khám xét tại khu vực Bel Air, cảnh sát phát hiện 10 triệu USD nhét trong túi vải thô. Ba người (chủ cửa hàng Andrew Jong Hack Park - 56 tuổi, Sang Jun Park - 36 tuổi, Jose Isabel Gomez Arreoloa - 49 tuổi) có liên quan đến cửa hàng thời trang QT bị bắt giữ cùng Jose Isabel Arreola Gomez (49 tuổi) - người phụ trách cửa hàng may mặc khác ở Los Angeles. Những người này bị cáo buộc nhận tiền từ băng đảng Sinaloa và sau đó trả lại Sinaloa thông qua 17 doanh nghiệp khác ở Mexico. 

Trong bản cáo trạng của Tòa án, ngoài cửa hàng thời trang QT bị liệt trong “danh sách đen” còn có tên của 3 doanh nghiệp dệt may khác. 3 thành viên của doanh nghiệp kinh doanh đồ lót Yili và đồ lót Gayima cũng đã bị bắt giữ, đứng đầu là Xilin Chen (55 tuổi - quốc tịch Trung Quốc), con trai Chuang Feng “Tom” Chen (24 tuổi), và cháu gái Aixia Chen (28 tuổi). 3 người này bị cáo buộc nhận tiền từ một nhân viên bí mật vào vai kẻ buôn ma túy. 

Trường hợp thứ ba là một gia đình ở Beverly Hills, gồm 4 người (Hersel Neman - 55 tuổi, Morad Neman - 54 tuổi, Mehran Khalili - 45 tuổi và Alma Villalobos - 52 tuổi) thuộc doanh nghiệp Pacific Eurotex Corp cũng bị bắt giữ vì cáo buộc 10 tội danh liên quan đến rửa tiền và tổ chức rửa tiền bất hợp pháp. Những người này đã nhận 370.000 USD từ một nhân viên bí mật.

Quần áo trở thành “thị trường chợ đen” trao đổi tiền - hàng

Bộ Tài chính Mỹ đã ước tính, khoảng 29 tỷ USD được chuyển từ Mỹ đến Mexico mỗi năm, phần lớn qua “rửa tiền thương mại”. Năm ngoái, trong 1.510 báo cáo của các ngân hàng Mỹ về hoạt động “đáng ngờ” thì hơn một nửa ở California, riêng các loại rửa tiền và gian lận - gần 11% đến từ Los Angeles. Người ta thường xuyên nhìn thấy trên phố xuất hiện những người mang túi vải thô và vali đầy tiền mặt.

Kể từ khi các ngân hàng ở Mỹ và Mexico thắt chặt yêu cầu báo cáo tài chính nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và dòng chảy của lượng tiền mặt bất hợp pháp qua biên giới, các băng đảng ma túy ranh mãnh tìm nhiều cách tinh vi để chuyển tiền trở lại Mexico. Thời gian gần đây, các băng đảng đã sử dụng công ty may mặc và đồ chơi ở Los Angeles để rửa tiền. Hiện, thành phố thời trang Los Angeles có tới 4.000 cửa hàng, kiếm lời hàng tỷ đô la một năm.

Sự bùng nổ các hoạt động rửa tiền dựa trên thương mại được cho là bắt đầu vào năm 2010, khi các ngân hàng Mexico giới hạn việc tiền gửi ngoại tệ, buộc các nhóm băng đảng ma túy, kể cả nhóm Sinaloa, sử dụng thị trường chợ đen trao đổi đồng peso (Black Market Peso Exchange BMPE) để “làm sạch tiền”. 

Để chuyển tiền từ Mỹ cho băng đảng ma túy ở Mexico, các nhà môi giới trung gian thường tìm đến các doanh nghiệp hợp pháp có liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước. Chẳng hạn, muốn nhập khẩu một đơn hàng là áo sơ mi có tổng trị giá 30.000 USD, nhà môi giới sẽ liên lạc với “chân rết” băng đảng ma túy Mexico ở Mỹ, để thanh toán số hàng này bằng tiền mặt. Công ty ở Mỹ sẽ gửi lại hàng hóa. Các doanh nghiệp ở Mexico bán hàng hóa và chuyển lợi nhuận cho các nhà môi giới và băng đảng ma túy.

“Hiện nay, phạm vi hoạt động và mức độ ảnh hưởng của các băng đảng lớn chưa từng có. Trong khi đại đa số các công ty thuộc ngành công nghiệp may mặc ở Los Angeles trị giá 18 tỷ USD là hợp pháp, cuộc truy quét ngày 8-9 vừa qua báo hiệu một xu hướng thực sự đáng lo ngại” - ông Claude Arnold, nhân viên đặc biệt phụ trách di trú và hải quan thuộc lực lượng điều tra an ninh nội địa ở Los Angeles nhấn mạnh.