Rốt ráo khoanh vùng, xử lý đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trước tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều đơn vị cố tình chây ỳ, ngành Bảo hiểm xã hội đang triển khai hàng loạt các giải pháp để thu hồi nợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn biến theo chiều hướng phức tạp

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn biến theo chiều hướng phức tạp

Nợ đọng diễn ra trên cả nước

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 10-2020, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 21.685 tỉ đồng, chiếm 5,4% số phải thu, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này nợ bảo hiểm xã hội 16.674 tỉ đồng, nợ bảo hiểm y tế 3.868 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 911 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội gia tăng, Trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu…

Bên cạnh đó, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm; tổng số số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp tuy có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ.

Mặt khác, cũng có trường hợp đơn vị, doanh nghiệp tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng lấy cớ dịch bệnh cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định.

Tại Hà Nội, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội từ đầu năm đến nay cũng diễn biến theo chiều hướng khá phức tạp. Tính đến ngày 31/10/2020, toàn thành phố còn hơn 20.000 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 3 tháng trở lên. Đáng chú ý, số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội chiếm hơn 9% kế hoạch thu bảo hiểm xã hội, tăng cao so với năm 2019 (số nợ năm 2019 bằng 1,98% kế hoạch thu bảo hiểm xã hội).

Để kéo giảm số nợ bảo hiểm trên địa bàn, mới đây Thanh tra thành phố Hà Nội đã quyết định tiến hành thanh tra 75 doanh nghiệp nợ lớn, nợ kéo dài với tổng số tiền hơn 80,217 tỉ đồng, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của 2.462 người lao động, trong khoảng thời gian từ 1-1-2019 cho đến thời điểm thanh tra.

Trong danh sách thanh tra đợt này có một số doanh nghiệp, đơn vị có số nợ bảo hiểm xã hội lớn, nợ kéo dài như: Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC có số nợ hơn 24 tỉ đồng (kéo dài 28 tháng); Xí nghiệp Xây dựng công trình Cienco nợ 4,3 tỉ đồng (kéo dài 48 tháng); Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà ở và đô thị Hà Nội nợ 2,3 tỉ đồng (kéo dài 20 tháng); Công ty Cổ phần Dược phẩm công nghệ cao Abipha nợ 2,4 tỉ đồng (kéo dài 11 tháng); Công ty Cổ phần Hassyu Việt Nam nợ hơn 2,6 tỉ đồng (kéo dài 40 tháng)…

Điều đáng lo ngại là tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội gia tăng không phải chỉ xảy ra tại Hà Nội hay TP.HCM mà là thực trạng chung, phổ biến từ đầu năm đến nay tại các địa phương trong cả nước.

Giảm nợ để bảo vệ quyền của người lao động

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thơ, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) hiện tại, chế tài xử lý hành vi trốn đóng, cố tình chây ỳ bảo hiểm xã hội đã có, nhưng việc triển khai còn nhiều vướng mắc.

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành bảo hiểm xã hội đã gửi khoảng 70 hồ sơ kiến nghị khởi tố doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. , tính đến hết tháng 8-2020, đã có 34/63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội của 67 đơn vị tới cơ quan công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố mà chỉ được xem xét, giải quyết.

Để khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả đối với từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên bám sát, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương để vừa tham mưu, triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) vừa được ngành bảo hiểm xã hội ban hành là tập trung thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

"Từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố củng cố, hoàn thiện hồ sơ kiến nghị cơ quan công an khởi tố đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ" - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.