Rót đúng, rót đủ vốn

ANTĐ - Mặc dù tăng đột biến trong tháng 6, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm tăng  trưởng tín dụng mới đạt 2,3%, vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2013. Tín dụng tăng trưởng chậm chứng tỏ hoạt động của doanh nghiệp chưa hết khó khăn, và các ngân hàng cũng đang mắc kẹt tìm đầu ra cho dòng vốn. Với thực tế này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12%, là một thách thức lớn cho những tháng còn lại. 

Mặc dù tăng đột biến trong tháng 6, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm tăng  trưởng tín dụng mới đạt 2,3%, vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2013. Tín dụng tăng trưởng chậm chứng tỏ hoạt động của doanh nghiệp chưa hết khó khăn, và các ngân hàng cũng đang mắc kẹt tìm đầu ra cho dòng vốn. Với thực tế này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12%, là một thách thức lớn cho những tháng còn lại.

Một số chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, tăng trưởng tín dụng được coi là “hàn thử biểu” về nhu cầu vay vốn và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Với mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy, nền kinh tế dù có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn trì trệ. Sự trì trệ không chỉ đo bằng tăng trưởng tín dụng, mà còn thể hiện ở mức tăng trưởng GDP khá thấp, nhất là chỉ số lạm phát rất thấp. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, lạm phát thấp chưa hẳn đáng mừng mà đáng lo ngại vì kinh tế đang có sự trì trệ, khiến khả năng hấp thụ vốn giảm đi đáng kể. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, dù kinh tế đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng tăng trưởng vẫn rất mong manh. Khó khăn của các doanh nghiệp còn nhiều, sức mua chưa chuyển biến mạnh mẽ, vốn tín dụng không chảy mạnh vào khu vực sản xuất và tiêu dùng mà các ngân hàng lại tập trung đổ vào mua trái phiếu chính phủ. Dòng vốn chưa được khơi thông mạnh làm cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ứ nghẽn, tồn kho tăng, dẫn đến sản xuất tiếp tục co lại. Từ nay đến cuối năm, với mức tăng nửa đầu năm chỉ đạt 2,3%, rõ ràng so với mục tiêu đề ra là một khoáng cách rất lớn. Theo vị chuyên gia trên, có lẽ các ngân hàng sẽ phải “vắt chân lên cổ” tìm kiếm khách hàng để cho vay. Khi đó, hiện tượng cho vay ồ ạt sẽ tái diễn và nguy cơ nợ xấu tiếp tục tăng cao.

Để giảm sức ép và rủi ro cho ngân hàng thì phải làm gì? Giải pháp đầu tiên cần tính đến là tiếp tục hạ lãi suất nhằm giúp giảm chi phí vốn và kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Một số chuyên gia khuyến nghị, để kích cầu vay vốn cần tăng hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng, cần thông thoáng hơn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ vay vốn hơn. Với diễn biến lạm phát hiện nay, theo phân tích trong  Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng được duy trì tốt. Dư địa để giảm lãi suất không phải không còn. Căn cứ vào diễn biến lạm phát để điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho phù hợp, làm sao đảm bảo rót đúng, rót đủ vốn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.