Công bố Quy hoạch Trung tâm Hoàng thành Thăng Long:

Rộng mở không gian công viên văn hóa lịch sử

ANTĐ - Chiều qua, 1-8, tại khu khảo cổ Hoàng thành Thanh Long 18 Hoàng Diệu, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. 

Phối cảnh minh họa tổng thể Khu trung tâm Hoàng  thành Thăng Long

Việc quy hoạch Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được đánh giá hết sức quan trọng bởi đây là cơ sở pháp lý trong triển khai hiệu quả bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu cũng như xây dựng Khu di sản thành Công viên văn hóa Lịch sử như mục tiêu đã đề ra.

Quy hoạch cũng yêu cầu bảo tồn tại chỗ các hố khai quật A-B và D4-D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, hệ thống trưng bày đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản; Bên cạnh đó, lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố  D2-D3. A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Các khu vực không xây dựng trở thành khu cây xanh, đường dạo để dự trữ khảo cổ học. Theo quy định, chiều cao công trình xây mới trong Khu di tích 18 Hoàng Diệu tối đa là 5m. Hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày có chiều cao xây dựng 1 tầng, tạo không gian mở của một công viên văn hóa lịch sử, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh.

Có 4 lối vào khu di tích là từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng đặt tại góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn. Phía bên trong có 2 tuyến đường tham quan chính, kế đó là các đường dạo kết nối từng điểm. Các tuyến đường bố trí theo hướng trục của Nhà Quốc hội và dấu tích các công trình kiến trúc. Một đường ngầm cũng sẽ được xây dựng qua đường Hoàng Diệu để kết nối khu 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ tạo thành chỉnh thể thống nhất và liên tục. Trên cơ sở đó, các tuyến tham quan được tổ chức đảm bảo tính xuyên suốt, không bị chồng chéo, gián đoạn, kết nối thuận tiện tham quan khu 18 Hoàng Diệu với tuyến tham quan Nhà Quốc hội và khu Thành cổ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng này, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước quan trọng tiếp theo, cụ thể là: Tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình (thời gian trong tháng 9-2012). Lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc (trình duyệt vào quý IV-2012); Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng. Song song với các việc trên, UBND thành phố cũng tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của UNESCO về di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tiếp tục nghiên cứu khảo cổ, mở cửa đón khách tham quan, tổ chức quảng bá, phát huy giá trị di sản thế giới.

GS Sử học Lê Văn Lan: “Mô hình không mới, nhưng…”

Tôi thấy, về cơ bản, bản quy hoạch đã thể hiện được những giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy vẫn còn một số điểm phải xem xét. Mô hình công viên văn hóa lịch sử không phải mới trên thế giới. Chẳng hạn như ở cố đô Nara (Nhật Bản) cũng được quy hoạch theo mô hình này. Nhưng so với họ, chúng ta làm công tác khai quật khảo cổ học quá nhanh, đại trà. Tổ chức UNESCO đã khuyến cáo và yêu cầu chúng ta phải chú ý đến việc khai quật khảo cổ. Vì thế, công cuộc khai quật khảo cổ cần phải được tiếp tục mở rộng. Nhưng bản quy hoạch tôi vừa tìm hiểu lại chưa nói kỹ về việc này. Chúng ta đã có một thời gian dài, công phu để thực hiện và cho ra đời bản quy hoạch này. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi đặt sự quan tâm của mình tới việc tiếp tục thực hiện quy hoạch này như thế nào.

Theo công bố của Bộ Xây dựng, tổng diện tích khu đất quy hoạch là 45.380m2. Trong đó, diện tích xây dựng nhà trưng bày khảo cổ là 13.674m2; khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính 3.438m2; diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195m2; diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.803m2; diện tích khu vực kỹ thuật, phụ trợ 859,3m2; diện tích sân, đường giao thông 6.214m2.